Trường hợp hy hữu này là bệnh nhân H.C.T. (58 tuổi, trú tại Hạ Long), có tiền sử điều trị lao khoảng một năm gần đây. Thỉnh thoảng, bệnh nhân ho khạc ra ít máu. Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị cơn ho dữ dội khiến máu từ mũi miệng ộc ra ồ ạt, hôn mê bất tỉnh.
Ông T. được gia đình đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp do chảy máu làm tắc đường thở. Trước tình trạng tối khẩn cấp, bệnh nhân lập tức được khai thông đường thở, đặt ống nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục cấp cứu.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành nội soi khí phế quản. Lòng phế quản phổi hai bên ngập máu, phế quản gốc trái bị tắc hoàn toàn cục máu đông, độ bão hòa oxy trong máu SpO2 chỉ còn dưới 5% trong suốt 15 phút. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và mạch máu. Các bác sĩ phát hiện một hang lao lớn chiếm trọn vùng đỉnh phổi trái và nhiều máu đông trong đó.
Bệnh nhân được nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Cuộc hội chẩn liên khoa Ngoại, Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng diễn ra. Các chuyên gia đánh giá đây là trường hợp ho ra máu sét đánh do vỡ mạch máu trong hang lao. Tuy nhiên, điểm chảy máu từ mạch nào trong phổi không xác định. Vì máu liên tục chảy trong phế quản gây suy hô hấp, các bác sĩ quyết định vừa nội soi hút rửa phế quản, truyền máu và chuyển mổ cấp cứu cắt thùy trên phổi trái.
Kíp mổ gồm thạc sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại cùng các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Hồi sức tích cực, Gây mê phối hợp cấp cứu cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì máu chảy liên tục từ tổ chức hang lao gây suy hô hấp, buộc dừng mổ để tiếp tục hút rửa bằng nội soi. Hơn nữa, tổ chức lao phổi xâm lấn toàn bộ phần trên phổi trái, dính chắc thành ngực gây chảy máu nhiều khi bóc tách.
May mắn, ca mổ diễn ra thành công sau 2 tiếng phẫu thuật căng thẳng. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, đường thở không còn chảy máu, hết suy hô hấp và tiếp tục điều trị lao phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hùng cho biết trường hợp ho ra máu “sét đánh” của ông T. rất phức tạp, gần như hiếm có cơ hội sống bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân đã ngừng thở tại nhà, nhờ cấp cứu và nội soi hút máu trong phế quản kịp thời nên qua cơn nguy kịch.
Theo các chuyên gia, ho ra máu nguyên nhân từ lao phổi chiếm đến hơn 75% các trường hợp. Ho ra máu có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ rất nặng gọi là ho ra máu sét đánh. Trường hợp này nguy cơ tử vong ngay lập tức do hít phải máu vào bên phổi lành hoặc vì mất máu quá nhanh với số lượng lớn.
Trường hợp như bệnh nhân T. được coi là kỳ tích trong thực hành lâm sàng. Bởi, tỷ lệ tử vong đối với những ca bệnh này gần như 100%. Đây còn được coi là cơn ho cuối cùng của cuộc đời.