ThS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y dược, TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho bệnh nhân H.Q.V. (40 tuổi, ngụ Tiền Giang).
Bệnh nhân V. được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, kèm suy tim nặng. Bác sĩ Thảo cho biết nếu chạy thận nhân tạo, bệnh nhân sẽ có nhiều biến chứng.
Qua thăm khám sơ bộ và tiến hành các cận lâm sàng cần thiết, khoa Nội thận - Thận nhân tạo đã quyết định chữa trị cho bệnh nhân bằng máy lọc màng bụng tự động. Sau 2 tuần, anh V. được xuất viện và tiếp tục lọc màng bụng tại nhà.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được cứu sống phương pháp lọc màng bụng máy tự động. Ảnh: BSCC. |
Bác sĩ Thảo cho biết khi thận suy yếu, không còn chức năng tạo nước tiểu và loại bỏ chất thải, nước dư thừa ra khỏi cơ thể, bệnh nhân diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này, người bệnh cần phải điều trị thay thế thận để có thể duy trì cuộc sống.
“Gần đây, Việt Nam đã đưa vào sử dụng máy lọc màng bụng tự động, giúp người bệnh dễ hòa nhập với cuộc sống. Với thiết bị này, người bệnh kết nối với máy một lần trước khi ngủ, sau đó máy tự thay dịch suốt đêm. Đến sáng hôm sau, người bệnh có thể ngắt kết nối và sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Thảo thông tin.
Theo vị chuyên gia này, phương pháp ghép thận tuy có ưu điểm vượt trội, tuy nhiên, điều nan giải là phải tìm được thận phù hợp với người bệnh để ghép. Nếu tiến hành chạy thận, người bệnh phải vào viện 3 lần/tuần, chi phí khá cao. Trong khi đó, nếu tiến hành lọc màng bụng, người bệnh chỉ cần thay dịch màng bụng tại nhà.
Theo thống kê của Hội Thận học Thế giới cũng như tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh thận mạn tính trong cộng đồng là 13%. Hàng năm, phòng khám Nội thận, Bệnh viện Đại học Y Dược, tiếp nhận hơn 30.000 lượt người đến khám, số lượng này tăng 30% qua các năm.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo người bệnh và người nhà đừng quá bi quan khi chẳng may mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện nay, người bệnh có rất nhiều phương pháp điều trị để lựa chọn.