Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Trưa trước ngày nhập viện, N.T.K. (12 tuổi, quê Bến Tre) bị ngã ra đường trong khi đang chơi với bạn và bị xe tải đang lưu thông cán ngang vùng bụng. Em được lực lượng công an đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre. Tại đây, bé K. được các bác sĩ chẩn đoán bị đa chấn thương, sơ cứu và chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, em được bóp bóng hỗ trợ thở, môi tái, tay chân mát lạnh. Mạch quay bắt nhẹ, huyết áp tụt thấp đến mức không đo được. Tim đập nhanh, bụng căng trướng. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu, đa chấn thương do tai nạn giao thông, chấn thương gan độ V, dập phổi 2 bên.
Ê-kíp bác sĩ khoa Cấp cứu ngay lập tức thiết lập đường truyền trung tâm, bồi hoàn máu liên tục. Đồng thời, bệnh viện cũng kích hoạt quy trình báo động đỏ, huy động ê-kíp Ngoại Tổng hợp - Lồng ngực và chuyển bệnh nhân vào phòng phẫu thuật ngay trong đêm.
Trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ gặp không ít khó khăn khi phát hiện phần dưới gan bệnh nhi rách phức tạp, dài hơn 10 cm, sâu 4 cm. Máu tràn đầy ổ bụng bệnh nhi. Các bác sĩ phải hút ra hơn 2 lít máu. Toàn bộ ruột tái, phù nề do thiếu máu nuôi.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phải liên tục khâu ép gan tăng cường. Ê-kíp gây mê liên tục phải bồi hoàn máu và chế phẩm máu để giữ huyết áp sinh tồn cho bé. Tổng lượng máu và chế phẩm bồi hoàn trong suốt và sau cuộc phẫu thuật lên tới gần 4 lít.
Cho đến nay, sau 5 ngày điều trị hồi sức tích cực hậu phẫu tại khoa Hồi sức ngoại, nhờ sự phối hợp của các chuyên khoa, bệnh nhi tỉnh dần, cải thiện đa số các chức năng tạng bị ảnh hưởng. Da niêm mạc hồng, bụng mềm và đã tạm qua cơn nguy kịch.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.