Như ANTĐ thông tin, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Tại giai đoạn 1 của vụ án, 54 người đã bị tuyên phạt những hình phạt tương xứng. Đáng nói là bị can Vũ Hồng Quang (cựu Phó phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải) là người duy nhất bị xử lý ở cả 2 giai đoạn.
Theo đó, Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã phải lĩnh án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” ở giai đoạn 1. Kiên bị xác định có hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng trong quá trình cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Bị can Vũ Hồng Quang (bên trái) và bị can Trần Tùng. |
Còn Vũ Hồng Quang đã bị tuyên phạt 4 năm tù, do bị xác định nhận hối lộ 2 tỷ đồng. Tại giai đoạn 2, bị can Quang tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” với số tiền đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên là hơn 7 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, tháng 9/2020, bị can Quang liên hệ, nhờ Phạm Trung Kiên giúp để có được văn bản chấp thuận cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.
Sau đó, Vũ Hồng Quang nói với bị can Nguyễn Mạnh Cương (lúc đó là Trưởng phòng) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) biết việc Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí 2.000-3.000 USD/công dân.
Nhóm Cương, Dũng thông báo lại việc này với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh Covid-19 và đề nghị họ tập hợp danh sách công dân có nhu cầu. Tuy nhiên, chi phí lúc này đội lên 100-500 USD/người so với mức giá Vũ Hồng Quang đưa ra.
Đến lượt mình, các giám đốc tư nhân tiếp tục nâng mức chi phí hơn mức Cương, Dũng đưa ra 100-500 USD/người xin về nước để được hưởng lợi.
Viện kiểm sát xác định Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển gần 3,9 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên. Đổi lại, nhóm Cương có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước. Qua đây, Cương hưởng lợi hơn 2 tỷ đồng.
Còn Vũ Hoàng Dũng cũng chuyển hơn 2,3 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên. Anh ta nhận về văn bản chấp thuận cho 236 công dân hồi hương và hưởng lợi 2,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp có dịch vụ đưa công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên. Hành vi này của Kiên đã bị xử lý ở giai đoạn 1 vụ án nên không bị xem xét tiếp.
Ngược lại, bị can Vũ Hồng Quang tiếp tục bị đề nghị xử lý do có hành vi mới là thỏa thuận, đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng/công dân về nước. Tổng cộng, bị can Quang đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng và qua đây hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
Hành vi phạm tội khác trong giai đoạn 2 vụ án, cơ quan điều tra cho rằng Vũ Hồng Quang từng có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay cho các Hãng hàng không thực hiện các chuyến bay Combo do doanh nghiệp tổ chức.
Có một số chuyến bay doanh nghiệp không thuê được tàu bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt nên phải thuê hai tàu nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí trong khi vẫn còn ghế trống khách.
Để có thêm lợi nhuận, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức chuyến bay là Nguyễn Thị Thanh Hằng và Nguyễn Tiến Mạnh đã trao đổi rồi được Vũ Hồng Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã duyệt nhưng phải chi phí 2 triệu đồng/khách.
Thực hiện thỏa thuận, Vũ Hồng Quang đã chỉ đạo bị can Nguyễn Mạnh Trường, khi đó là chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, triển khai cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách. Sau đó, Hằng và Mạnh chi gần 2 tỷ đồng hối lộ cho ông Quang và bị can này chia cho Trường 244 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Nguyễn Mạnh Trường nhận hối lộ 244 triệu đồng để đề xuất và triển khai cấp phép bay quá số lượng. Hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Tiến Mạnh và hành vi nhận hối lộ của Vũ Hồng Quang đã bị xét xử ở giai đoạn 1 vụ án nên không xem xét tiếp.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.