Theo nguồn tin của Zing, ngày 27/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét kháng cáo của Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi) và đồng phạm trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba. Phiên tòa do thẩm phán Võ Văn Khoa làm chủ tọa.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi 12/2022, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo là đồng phạm của Luyện bị phạt mức án từ 10-19 năm tù về cùng tội danh trên.
Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị phạt mức án 30 năm tù, bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) nhận mức án 27 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị phạt mức án 3 năm tù về tội Rửa tiền nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho 4.500 bị hại số tiền gần 2.400 tỷ đồng. Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và tài sản khác, tòa tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau bản án sơ thẩm, 16 trong số 23 bị cáo kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cùng kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng bản thân không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.
Theo bị cáo Luyện, cho đến thời điểm xét xử vụ án, Công ty Alibaba vẫn có đất để trả cho khách hàng. Ngoài ra, đến trước thời điểm vụ án được khởi tố, không có bị hại nào bị Alibaba chiếm đoạt tiền. Còn bị cáo Võ Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan ở cả 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Các bị cáo đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Nguyễn Quang Sơn, Trương Thị Hồng Ngọc, Trang Chí Linh, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Bùi Minh Đức, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Nguyễn Thị Vân Anh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Thái Lĩnh, Trần Huy Phúc, Phan Ngọc Nguyên và Nguyễn Thái Lực...
Liên quan vụ án, 97 bị hại và 2 cá nhân tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo. Các bị hại này kháng cáo yêu cầu được nhận đất vì họ cho rằng Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện có đất để trả cho khách hàng. Ngoài ra, các bị hại cho rằng họ có nhu cầu mua đất để sử dụng đúng như cam kết được ký trong hợp đồng với Công ty Alibaba.
Một số bị hại có đơn đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo vì cho rằng Nguyễn Thái Luyện không lừa dối khách hàng.
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bản án sơ thẩm xác định_năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.500 khách hàng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…