Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chiều 17/7, trao đổi với VietNamNet, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (thuộc Công ty Luật TNHH SmiC), người bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, cho biết, ngày 9/7, vợ ông Quyết đã nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Như vậy, đến nay ông Trịnh Văn Quyết đã khắc phục được 210 tỷ đồng và gia đình bị cáo vẫn đang nỗ lực khắc phục thêm hậu quả vụ án.
Luật sư của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã nộp cho TAND TP Hà Nội quan điểm bào chữa với nội dung chủ yếu xin giảm nhẹ tội cho cựu Chủ tịch FLC cùng 376 văn bản với khoảng 4.280 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho ông Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án. Trong số những người có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo có 88/133 bị hại.
“Ông Trịnh Văn Quyết đang điều trị bệnh lao nhưng trạng thái sức khỏe ổn định”, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho hay.
Trước đó, bà Vũ Đặng Hải Yến cho biết, ông Quyết có ý thức tốt trong việc khắc phục hậu quả vụ án và vẫn đang tiếp tục huy động gia đình gom tiền để khắc phục hậu quả ở mức nhiều nhất có thể, trên tinh thần “được thêm bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin chịu toàn bộ trách nhiệm về phần hình sự và dân sự như cáo buộc. Cựu Chủ tịch FLC cũng đề nghị luật sư viết một văn bản ghi rõ tâm tư nguyện vọng của mình, trong đó nhận toàn bộ trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự cho tất cả bị can liên đới.
Đặc biệt, ông Quyết còn yêu cầu các luật sư không có bài bào chữa phản biện trực tiếp vào hành vi của ông đã được kết luận trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Luật sư cho biết thêm, tinh thần bị cáo Trịnh Văn Quyết minh mẫn, mong chờ đến ngày xét xử để được giãi bày tâm sự và thể hiện sám hối. Bị cáo mong cơ quan tố tụng, truyền thông, công chúng có cái nhìn khoan hồng đối với những việc bị cáo đã làm.
Theo TAND TP Hà Nội, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác sẽ bị đưa ra xét xử về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đưa ra xét xử về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thao túng thị trường chứng khoán". Ông Quyết có 4 luật sư bào chữa, trong đó có bà Vũ Đặng Hải Yến.
Ông Quyết bị xác định là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Trịnh Thị Minh Huế (kế toán tập đoàn FLC) quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.