Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu Cục trưởng ATTP Bộ Y tế 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, tiếp tục bị khởi tố trong vụ án thứ 2, cùng về tội "Nhận hối lộ", đều liên quan đến hành vi cấp khống hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy nhóm bị can là chủ doanh nghiệp đã hối lộ số tiền cực khủng để được "đóng dấu hợp pháp" sản phẩm giả, rồi bán ra thị trường.

60 tỷ đồng tiền hối lộ vào "túi" cựu cục trưởng

Ngày 10/7/2025, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ", đồng thời khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong cùng 17 bị can khác, trong đó có 14 người là lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Các bị can còn lại là chủ doanh nghiệp.

Theo điều tra, Công ty TNHH Khoa học TSL đã làm giả các phiếu kết quả thử nghiệm sản phẩm và bán cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Herbitech, nhằm hợp thức hóa hồ sơ đăng ký sản phẩm thực phẩm chức năng giả để đưa ra thị trường.

Dù Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo An toàn thực phẩm không có chức năng thẩm định hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, với vai trò là Cục trưởng, đã giao thêm nhiệm vụ thẩm định cho Trung tâm này. Mục đích là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "chạy hồ sơ" bằng cách nộp tiền qua trung gian, đổi lại là hồ sơ được cấp khống.

Cong ty Herbitech,  San pham gia,  Thuc pham chuc nang,  Cty Khoa hoc TSL,  DN Khoa hoc TSL,  Cong ty MegaPhaco,  Cong ty MediUSA anh 1

Bị can Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Công an.

Cơ quan điều tra xác định nhóm cán bộ, lãnh đạo liên quan đã cấp khống hơn 10.000 hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm, nhận hối lộ trên 75 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông Nguyễn Thanh Phong đã nhận hơn 60 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2024.

Các bị can bị khởi tố tại Trung tâm gồm: Đinh Quang Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm; Nguyễn Thị Minh Hải, nguyên Phó giám đốc; Lê Thị Hiên, Phạm Duy Bình, Nguyễn Thị Minh, Phạm Tuyết Mai, nguyên chuyên viên, nhân viên hợp đồng

Ngoài ra, một số lãnh đạo cấp Cục, Phòng khác cũng bị khởi tố: Nguyễn Hùng Long, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Lê Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn Cục ATTP...

Thực phẩm chức năng giả dán nhãn châu Âu

Vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) thụ lý, liên quan đến đường dây sản xuất và tiêu thụ hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA, cầm đầu.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Nguyễn Thanh Phong cùng 4 cán bộ khác tại Cục An toàn thực phẩm đã thông đồng nhận tiền "lobby" từ Nguyễn Năng Mạnh nhằm bỏ qua các vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ.

Cụ thể, Cục ATTP đã: Cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 207 sản phẩm của 9 công ty do Nguyễn Năng Mạnh điều hành.

Cong ty Herbitech,  San pham gia,  Thuc pham chuc nang,  Cty Khoa hoc TSL,  DN Khoa hoc TSL,  Cong ty MegaPhaco,  Cong ty MediUSA anh 2

Sản phẩm giả của Công ty Herbitech. Ảnh: CAND.

Những hành vi này tạo điều kiện để đường dây thực phẩm chức năng giả hoạt động quy mô lớn, trục lợi bất chính, gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe người tiêu dùng và trật tự xã hội.

Tại cơ quan điều tra, ông Phong khai từng nhận 250 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng trong phong bì do ông Cao Văn Trung (nguyên Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc) đưa với lời nhắn: "doanh nghiệp cảm ơn".

Cơ quan điều tra xác định từ năm 2016, nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Năng Mạnh; Đỗ Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty MediPhar; Khúc Minh Vũ, Giám đốc Công ty Việt Đức; Phạm Thị Hường, Kế toán trưởng hệ thống 4 công ty; Lê Thị Toan, Thủ quỹ 6 công ty (gồm MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức)… đã thành lập và điều hành hệ thống các doanh nghiệp để sản xuất, đóng gói, nhập nguyên liệu, và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên toàn quốc.

Thủ đoạn, dán nhãn mác “nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu” nhưng thực chất sử dụng nguyên liệu Trung Quốc, trôi nổi trên thị trường. Một số sản phẩm có chất lượng dưới 30% so với công bố, nhắm đến nhóm người già và trẻ em.

Khi phát hiện bị điều tra, các đối tượng đã tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, đóng cửa nhà máy để tránh bị phát hiện.

Kết quả khám xét, Bộ Công an thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng giả, đủ loại, phân phối rộng khắp cả nước.

2 vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Phong và các bị can tại Cục An toàn thực phẩm phản ánh sự cấu kết có hệ thống giữa quan chức quản lý ngành y tế và các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân, môi trường kinh doanh và uy tín ngành y tế.

Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách chuyên khảo "Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình" phân tích các khía cạnh của việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình một cách hợp lý, toàn diện; có so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới, xem xét thực tiễn áp dụng tại Việt Nam; từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất có giá trị từ nhiều góc độ.

https://tienphong.vn/cuu-cuc-truong-attp-bo-y-te-tiep-tay-cho-nguyen-lieu-kem-chat-luong-doi-lot-hang-my-chau-au-post1760246.tpo

Minh Đức/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm