Ông Phùng Anh Lê (55 tuổi, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ do liên quan vụ thả nghi phạm trái pháp luật, xảy ra hồi tháng 9/2016 tại công an quận này.
Ngoài cáo buộc nhận 110 triệu đồng từ gia đình nghi phạm, cựu đại tá Phùng Anh Lê còn được cho là chủ mưu, phạm tội do có động cơ vụ lợi.
Chỉ đạo thả người sau khi nhận tiền
Ngày 19/9/2016, anh Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trình báo công an về việc bị một nhóm người bắt giữ, hành hung. Vụ án sau đó được Đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ thụ lý.
Đến ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài ra đầu thú rồi bị tạm giữ do tham gia bắt giữ trái phép, cướp điện thoại của anh Thành. Tối cùng ngày, người nhà của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê) để nhờ giúp Tài không bị xử lý.
Trước khi bị bắt, ông Lê là Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội. |
Sau khi nghe cuộc gọi của ông Bảy, cựu đại tá Phùng Anh Lê đồng ý giúp cho hòa giải nhưng yêu cầu phải đưa cho ông Lê 110 triệu đồng để bồi thường cho bị hại.
VKS xác định khuya 22/9/2016, ông Bảy mang tiền vào phòng làm việc của bị can Lê. Lúc đó, cựu trưởng công an quận nói: "Chú để đây cho cháu". Sau đó, ông Lê yêu cầu cấp dưới mang hồ sơ vụ án liên quan Nguyễn Hữu Tài đến trình xem.
Khi nghe Vũ Công Ngọc (cựu đội phó hình sự) báo cáo, ông Lê nói rằng căn cứ của việc tạm giữ Tài còn yếu nên chỉ đạo Ngọc đến nhà tạm giữ nhận bàn giao Nguyễn Hữu Tài để cho ra về.
Theo quy định, nghi phạm đang bị tạm giữ nên muốn thả về phải có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ này. Tuy nhiên, VKS cho rằng ông Phùng Anh Lê vẫn chỉ đạo thả Tài mà không cần các thủ tục đó. Khi Ngọc kể lại sự việc, Đội trưởng hình sự Vũ Đức Châu biết việc ông Lê chỉ đạo thả người là trái quy định. Song, bị can Châu nói: "Trưởng quận đã quyết như vậy thì anh em phải thực hiện, không cưỡng lại được".
Rạng sáng 23/9, Ngọc đến nhà tạm giữ đề nghị dẫn Tài ra ngoài nhưng bị can Lê Đình Trung (cựu đội phó thi hành án) từ chối. Sau đó, thông qua điện thoại của Ngọc, Trung nghe ông Lê chỉ đạo phải bàn giao Nguyễn Hữu Tài.
Mang sự việc thả người trái quy định báo cáo cấp trên, Trung được nghe Đội trưởng thi hành án Nguyễn Quang Huy nói: "Sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được". Sau đó, nghi phạm Nguyễn Hữu Tài được thả về.
Ông Lê đổ lỗi cho cấp dưới
Sau vài ngày Nguyễn Hữu Tài được thả, Vũ Đức Châu tiếp tục đề xuất ông Lê giải quyết vụ việc theo đúng quy định nhưng cựu trưởng công an quận không đồng ý mà nói về việc hòa giải.
Theo cáo buộc, quá trình giải quyết, anh Thành đồng ý nhận bồi thường 15 triệu đồng từ gia đình Nguyễn Hữu Tài. Còn số tiền 110 triệu đồng mà bị can Lê nhận từ ông Bảy không được đưa cho phía bị hại. Ngoài ông Lê, các bị can Vũ Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung biết những sai phạm này nhưng không báo cho VKSND quận Tây Hồ và cấp có thẩm quyền biết.
Quá trình điều tra, các bị can khai họ thả nghi phạm vụ cướp là do có chỉ đạo của ông Phùng Anh Lê. Trong khi đó, ông Lê phủ nhận việc này, đồng thời khai không nhận tiền từ ông Bảy. Cựu đại tá Phùng Anh Lê còn được cho là ngoan cố, chối tội và đổ lỗi cho cấp dưới.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khám nhà ông Lê ở Hà Nội vào tối 21/9/2021. Ảnh: N.T. |
Theo VKS, khi Công an Hà Nội phát hiện sai phạm trong vụ thả Nguyễn Hữu Tài, vợ chồng Phùng Anh Lê đến gặp ông Bảy và yêu cầu người này xin lỗi do đã khai đưa 110 triệu đồng cho ông Lê. Cựu trưởng công an quận còn chủ động tạo nhiều chứng cứ sai sự thật để che giấu hành vi.
Trong vụ án này, VKSND Tối cao đánh giá bị can Phùng Anh Lê giữ vai trò chính, là chủ mưu, có động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ quyền hạn để chỉ đạo thả người trái quy định, không xử lý hình sự đối với người phạm tội.
Còn 3 thuộc cấp của ông Lê là Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung cùng bị truy tố tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Đối với việc ông Phùng Văn Bảy và người nhà của Nguyễn Hữu Tài đưa tiền cho ông Lê đã có dấu hiệu đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, VKS xác định họ nhận thức đây là tiền để hòa giải với bị hại. Khi vụ việc bị phát hiện, các cá nhân này chủ động khai báo nên không bị xem xét xử lý.