Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: 'Bị cáo xin được nói từ đau'

Bị cáo Trương Quý Dương nói rằng sự cố chạy thận làm chết 9 người là nỗi đau của cả ngành y tế. Ông không chối bỏ trách nhiệm của bản thân đối với sự việc này.

Chiều 14/1, TAND TP Hòa Bình bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong.

Cựu giám đốc bệnh viện nói về sự cố chạy thận khiến 9 người chết Bị cáo Trương Quý Dương cho rằng sau khi xảy ra sự cố, ông chỉ biết lúc đó các bệnh nhân bị dị ứng nên chưa nắm rõ được tính khẩn thiết của sự việc.

'Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế'

Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) khai, sau khi xảy ra sự cố hôm 29/5/2017, ông nhận được báo cáo về việc nhiều bệnh nhân tử vong khi chạy thận từ bác sĩ Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc).

Tuy nhiên, lúc đó, cấp dưới chưa nói đến tình trạng ngộ độc mà mới chỉ báo cáo bệnh nhân bị dị ứng khi đang chạy thận. Sau đó, ông Dương đã trưng cầu ý kiến phía Bệnh viện Bạch Mai.

Khi biết có một số người tử vong, ông Dương đã xuống Khoa Hồi sức, trao đổi với các bác sĩ tại đây và xem hồ sơ vụ việc.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 1
Ông Trương Quý Dương đến tòa sáng 14/1. Ảnh: Hoàng Lam.

"Biết có diễn biến xấu, trong đó một số bệnh nhân tử vong, còn lại đang cấp cứu tích cực nên bị cáo đã huy động lực lượng hiện có, đồng thời trực tiếp gọi điện cho bên Bạch Mai”, cựu giám đốc bệnh viện khai.

Chủ tọa truy vấn, khoảng 9h30 xảy ra sự cố y khoa nhưng đến 11h ngày 29/5/2017, giám đốc mới xuống Khoa Hồi sức để nắm tình hình?

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Dương trần tình, với bối cảnh một bệnh viện có gần 40 chuyên khoa và khoảng 700 cán bộ, từng bác sĩ chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực là điều quan trọng.

“Khi chuyên ngành nào xảy ra vấn đề, bác sĩ chuyên ngành đó trực tiếp liên hệ đầu mối để báo cáo”, bị cáo Dương nói và giãi bày, bản thân dù là giám đốc, nhưng ông ta chỉ chuyên khoa ngoại. Do đó, sự cố nếu xảy ra ở chuyên khoa khác thì phải bác sĩ chuyên khoa đó thông báo.

“Với đơn nguyên thận, bị cáo thi thoảng xuống kiểm tra và động viên anh em làm việc, có tháng xuống 1-2 lần”, cựu giám đốc trình bày.

Ngoài ra, bị cáo Trương Quý Dương còn khai, theo quy chế của bệnh viện, phó giám đốc có quyền thay giám đốc, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình phụ trách, trong đó có cả lĩnh vực chuyên môn.

Nhớ lại buổi sáng xảy ra sự cố, bị cáo Dương khai tiếp, khi xuống Khoa Hồi sức đã được bác sĩ Hoàng Công Tình báo cáo, rằng 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó một số người đã tử vong.

Ngay lập tức, ông đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các bệnh viện xung quanh để đưa những người còn sống sang thải độc.

“May mắn 10 bệnh nhân trong đó đã được cứu sống”, Dương khai và thừa nhận, bản thân ông ta bị cuốn vào vòng quay của sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng gần 2 năm trước.

Tiếp tục trình bày, bị cáo Dương cho rằng, nếu gói gọn lại một từ để có thể nói về sự cố khiến 9 người chết, bị cáo xin được nói từ "đau".

“Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Đó là nỗi đau của bệnh nhân, nỗi đau của cán bộ y tế…”, ông Dương nói và mong muốn HĐXX xem xét việc ông ta không chối bỏ vai trò của mình, mà xin nhận toàn bộ trách nhiệm đối với sự cố xảy ra.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 2
Từ trái qua: Ba bị cáo Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam.

Cựu giám đốc bệnh viện để mặc cấp dưới vi phạm

Theo cáo buộc, cuối tháng 5/2017, ông Trương Quý Dương (khi đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Hợp đồng này sau đó được nhượng lại cho Công ty xử lý nước Trâm Anh.

Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty Trâm Anh) thực hiện hợp đồng, đến sửa chữa hệ thống lọc nước RO nhưng để tồn tại axit trong máy lọc, khiến 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngộ độc, 9 người trong số đó tử vong.

VKS xác định bị can Trương Quý Dương đứng đầu bệnh viện nhưng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, để cho cấp dưới vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài.

Cụ thể, ông Dương đã ký quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo khi chưa bố trí đủ kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc phân công cán bộ để kiểm tra chất lượng nước RO sau khi lọc.

Nguyên giám đốc bệnh viện cũng không chỉ đạo Phòng vật tư xây dựng, ban hành quy định liên quan đến an toàn kỹ thuật vận hành máy lọc nước RO mà để Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống này.

Cũng theo VKS, ông Dương ký các hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng không kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo khi có sự cố. Bị can bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, khung hình phạt từ 3 năm-12 năm tù.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 3
 

Theo cáo trạng, sau khi ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đỗ Anh Tuấn đại diện cho Công ty Thiên Sơn, đã đề nghị Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn axit.

Không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng Trần Văn Sơn vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 9 người trong số này tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Các bị can Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng đã không làm tròn trách nhiệm được giao, thiếu kiểm tra, giám sát và đôn đốc nên để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

Đề nghị giám định tâm thần bác sĩ Hoàng Công Lương

Sau 3 lần hoãn, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa vụ chạy thận làm chết 9 người. Trước khi tòa khai mạc, Hoàng Công Lương đã xuất viện.

Hoàng Lam - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm