Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu giám đốc quỹ tín dụng ở TP.HCM bị cáo buộc gây thiệt hại 16,6 tỷ

Năm 2020, Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM phát hiện các sai phạm xảy ra tại Quỹ tín dụng Nhà Bè, nên đã chuyển hồ sơ cho Công an TP.HCM làm rõ.

Ngày 17/6, TAND TP.HCM đã quyết định đưa vụ sai phạm xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thị trấn Nhà Bè (Quỹ tín dụng Nhà Bè) ra xét xử vào ngày 25/6. Phiên tòa sơ thẩm sẽ do thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang làm chủ tọa.

Tại phiên tòa này, các bị can Trần Ngọc Sơn (cựu Giám đốc Quỹ tín dụng Nhà Bè), Nguyễn Phương Anh (cựu kế toán trưởng), Huỳnh Thị Phương Uyên, Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm (cùng là cựu thủ quỹ) cùng bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Riêng 2 bị can gồm: Cựu chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Nhà Bè Phạm Văn Đứng và cựu Trưởng ban kiểm soát Quỹ tín dụng Nhà Bè Phạm Thị Hà bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của viện kiểm sát, từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2018, ông Sơn trực tiếp ký duyệt cho các khách hàng vay, nhận thế chấp các bất động sản làm tài sản đảm bảo nhưng đã tự ý chỉ đạo cho giải chấp hết các hồ sơ tài sản đảm bảo của 42 hồ sơ vay. Các tài sản này hiện nay đã bị sang tên cho cá nhân khác, dẫn đến 42 khoản vay hiện không còn tài sản đảm bảo và đang bị dư nợ quá hạn số tiền 16,6 tỷ đồng không thu hồi được, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng Nhà Bè 16,6 tỷ đồng.

Trên cương vị là Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát, ông Phạm Văn Đứng và bà Phạm Thị Hà đã không thực hiện đúng chức trách giám sát và kiểm tra theo Quy chế hoạt động của Quỹ tín dụng Nhà Bè, dẫn đến không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sai phạm của ông Sơn.

Bị can Nguyễn Phương Anh đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, biết rõ các hợp đồng chưa được thanh lý, nhưng ông Sơn đã bàn giao các tài sản đảm bảo cho khách hàng. Biết ông Sơn làm âm quỹ tiền mặt trong hoạt động tín dụng từ năm 2012, nhưng bị can Anh đã không báo cáo cho HĐQT hoặc tố giác.

Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh cũng đã lập các báo cáo tài chính khống thể hiện tình hình kinh doanh có phát sinh lợi nhuận liên tục năm 2012-2019 theo chỉ đạo của ông Sơn, từ đó tạo điều kiện cho ông Sơn thực hiện hành vi phạm tội trót lọt trong thời gian dài.

Bị can Huỳnh Thị Phương Uyên là người ký các chứng từ thu, chi và hồ sơ kế toán khống để che đậy sai phạm của ông Sơn. Bị can này làm thủ tục giải chấp tài sản của 17/42 hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng Nhà Bè 5,7 tỷ đồng.

Bị can Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm là người làm thủ tục giải chấp tài sản đảm bảo của 14/42 hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng Nhà Bè 4,8 tỷ đồng.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.

https://tienphong.vn/cuu-giam-doc-quy-tin-dung-o-tphcm-hau-toa-vi-bi-cao-buoc-gay-thiet-hai-166-ty-dong-post1647097.tpo

Tân Châu/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm