Sau khi xin từ chức giám đốc công ty du lịch, ông Đàng Năng Long (Đắk Lắk) trở về làng nối nghiệp cha bảo tồn đàn voi - giống loài đặc trưng văn hoá Tây Nguyên.
Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống nuôi voi nhiều nhất Tây Nguyên, từ thuở nhỏ, cậu bé Đàng Năng Long (ngụ ở Buôn Lê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) theo cha đưa đi săn, truyền dạy cách thuần dưỡng đàn voi rừng thành voi nhà. Hơn 30 năm nối nghiệp cha, có thời điểm gia đình ông Long nuôi đến 12 con voi.
Ông Long kể, thuở xưa, ở mỗi buôn làng nơi đây đều có khu rừng rậm rạp để thả voi. Buôn nào nghèo thì góp lúa, trâu, bò, chiêng ché để đổi lấy một con voi giúp cả làng chuyên chở nông sản, vận chuyển gỗ từ rừng về nhà. Khoảng 20 con trâu mộng mới có thể đổi được một con voi đực khỏe mạnh. Giờ đây đàn voi suy giảm mạnh nên giá trị của chúng có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện, ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) còn 16 voi nhưng riêng gia đình ông Long nuôi đến 7 con (4 đực, 3 cái). Ông được mệnh danh là người sở hữu đàn voi nhà nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Con voi đực lớn nhất của ông mang tên Y Khun (47 tuổi, còn gọi là con ngọc quý hiếm), con cái nhỏ nhất tên Booc Khâm (30 tuổi). Không chỉ bầu bạn, trò chuyện được với đàn voi, ông Long còn là "thầy thuốc" giỏi có thể chữa bớt bệnh cho chúng.
Theo ông Long, do rừng già ngày càng bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng suy giảm nghiêm trọng đã gây nhiều bệnh, nhất là u bướu mọc khắp cơ thể voi. Đối với vết trầy xước, ông dùng vỏ cây lộc vừng và lá cây trâm nấu với muối hạt lấy nước để rửa vết thương rồi dùng đất đào từ tổ mối hoặc men bả nấu rượu đắp lên.
Mỗi buổi chiều, ông Long cho đàn voi về rừng quanh hồ Lắk tìm kiếm thức ăn tự nhiên. Đến sáng hôm sau, ông lại đưa chúng về làng cho ăn thêm chuối, mía cây, đường... tăng thêm chất dinh dưỡng. Trường hợp voi bị bệnh u bướu hoặc vết thương lớn sưng mủ, ông phải tiểu phẫu rồi đắp thuốc cho chúng theo kinh nghiệm dân gian. Riêng voi Y Khun từng bị kiệt sức và bỏ ăn nhiều ngày, ông phải truyền 32 bình dịch mới có thể cứu sống được cá thể quý hiếm này.
Voi là niềm tự hào lớn của đồng bào Tây Nguyên. "Thần voi" là biểu trưng của sự hiền hòa. Người nuôi loài vật này phải có phẩm chất đạo đức chuẩn mực, rộng lượng, vị tha. " Cứ ba tháng chủ nuôi voi phải cúng một lần, gia đình có sự kiện gì phải cúng để báo cho chúng biết xem như các thành viên trong nhà. Mua voi, voi đẻ hay voi nhập làng đều phải mổ trâu cúng báo tổ tiên của làng. Thông thường, cúng sức khỏe cho gia chủ và voi thì mổ heo cùng với hoa quả, mía", ông Long cho hay.
Nghi thức thắp nến cúng sức khỏe cho voi của gia đình ông Long.
Tập tục xoa rượu giữa trán cầu mong cho voi khỏe mạnh.
Theo ông Long, thuở xưa việc xâm hại đàn voi là đại kỵ. Tuy nhiên, hiện nay giá trị tâm linh mờ nhạt dần trong giới trẻ. Tình trạng săn bắt, trộm ngà, chặt đuôi voi liên tục diễn ra khiến đàn voi suy giảm nghiêm trọng.
Xoa huyết heo lên cặp ngà - nghi thức tín ngưỡng trong buổi cúng sức khỏe voi. Trong vòng 10 năm qua, gia đình ông Long mất sáu con voi (5 đực và một cái) do quá già, rơi xuống vực hay bị gỗ rừng ngã đè chết. Suốt 10 năm qua, dù ông nỗ lực tạo môi trường cho voi giao phối nhưng chúng chưa đẻ được con nào.
Người nuôi voi nhiều nhất Việt Nam trăn trở, nếu không nỗ lực bảo tồn thì trong vòng 20 năm tới đàn voi Tây Nguyên dễ bị xóa sổ. "Lo nhất hiện nay là đàn voi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Voi mất đi đồng nghĩa mất đi sự đa dạng sinh học, giống loài đặc thù văn hóa Tây Nguyên", ông Long nói.
Đàn voi của gia đình ông Long đưa khách du lịch tham quan quanh hồ Lắk. Nghệ nhân này đề xuất, việc cấp bách hiện nay là nhà nước cần quy hoạch những khu rừng chăn thả thả voi ít nhất 50 ha (có cây cối, sinh cảnh rậm rạp). Điều này vừa tạo thức ăn giàu dinh dưỡng đề kháng được bệnh tật vừa tạo môi trường hoang dã cho loài này có điều kiện gặp gỡ, giao phối sinh sản. Ông Long lo lắng, rừng ngày càng cạn kiệt, giờ đây đàn voi nhà còn lại ít ỏi đưa lên nương rẫy kiếm ăn trong phạm vi chật hẹp với tình trạng xích chân thì khó có khả năng giao phối, sinh sản mà bảo tồn lâu dài, bền vững được.
Trong những năm gần đây, do những thay đổi lớn về điều kiện tự nhiên và tác động nhiều mặt của con người đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, môi trường sống của voi.
Lực lượng chức năng xác định đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ ở quận 1 (TP.HCM) chuyển đột ngột từ xanh sang đỏ không bị tác động từ con người đối với tủ điều khiển.