Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu học sinh trường Ams và công trình nghiên cứu tuổi 19

Nguyễn Ngọc Minh (trường ĐH MountHolyoke, bang Massachusetts, Hoa Kỳ), một cựu học sinh trường Ams, đã gây ngạc nhiên với công trình nghiên cứu về cá nước lợ.

Tự mở đề tài nghiên cứu

“Nghiên cứu phản ứng của cá common killifish và cá tuế với các môi trường sống nước lợ” là tên đề tài mà Minh theo đuổi. Với đề án này, cô đã thuyết phục được nhà trường tài trợ vốn, thiết bị và dụng cụ để nghiên cứu.

Minh chia sẻ: “Mình muốn thử sức ở lĩnh vực Sinh thái học (thuộc Sinh học Vĩ mô) để tìm ra hướng đi thực sự. Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ làm sáng tỏ ảnh hưởng của con người trong việc thay đổi môi trường sống tự nhiên của sinh vật nước lợ”.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Minh.

Chỉ 4 tháng, Minh đã tự mình hoàn tất đề tài nghiên cứu, từ khâu dựng bể, lấy mẫu tới phẫu thuật, xét nghiệm… Liên tục 90 ngày, cô ngồi một mình trong phòng thí nghiệm, giữa thời tiết giá rét, tập trung vào bể cá, cứ 30 giây lặp lại một động tác: Đánh dấu vị trí của đối tượng (cá) vào sổ. Minh bày tỏ: “Lúc bắt đầu, mình cũng lo lắng, áp lực nhưng niềm đam mê đã thôi thúc kiên trì đến cùng. Cho đến giờ, mình vẫn “sởn gai ốc” khi nhớ lại cảnh hằng đêm rét buốt đi xách nước ở sông, lỡ có trượt chân rơi xuống thì chắc cũng không ai biết”.

Kết quả Minh thu được là loài cá tuế thích hợp môi trường sống dưới tán cây, do có màu sắc vảy, cũng như kích thước phù hợp với điều kiện này, trong khi loài common killifish phù hợp với môi trường đầm lầy. TS Kevin Goff (Viện Hải dương học Virginia) đã đánh giá nghiên cứu của Minh là “có độ chính xác cao” (> 97 %).

“Nhẵn mặt” trong các câu lạc bộ, sự kiện

Ngay từ khi còn là một Amser, Minh đã rất năng nổ tham gia các hoạt động. Một năm sau khi sang Mỹ, Minh đã được chọn làm Chủ tịch CLB Khoa học – Môi trường (lớn nhất trường), trong hai năm cuối, tại trường THPT ở Mỹ.

Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều sự kiện, kêu gọi sự quan tâm của thầy giáo, bạn bè tới hệ sinh thái như nhận nuôi báo, gấu trúc, chim cánh cụt (từ WWF); phân loại giấy vụn toàn bộ khuôn viên trường; thu gom thức ăn thừa từ nhà ăn biến thành đất hữu cơ tái chế; chèo thuyền thu gom rác trên sông; giúp đỡ người dân quanh vùng nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước. Mặc dù công việc của thủ lĩnh chủ yếu là quản lý nhưng cô bạn luôn cố gắng tận dụng thời gian để tham gia trực tiếp cùng mọi người.

Khi trở về nhà trong kỳ nghỉ Hè năm 2011, Minh tình cờ trở thành phiên dịch viên cho Liên đoàn Thể thao dưới nước Việt Nam. Khi đó, bạn khá bỡ ngỡ do không biết bơi và chưa thành thạo đọc tên các vận động viên quốc tế, nhất là Thái Lan nhưng sau vài ngày đã bắt nhịp được công việc. Minh cho biết, công việc đã mang lại cơ hội học hỏi và rèn luyện khả năng tiếng Anh và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế. Cho đến nay, vào mỗi kỳ nghỉ Hè, Minh vẫn tiếp tục là phiên dịch viên đồng hành với đoàn.

Trong thời gian học tập ở Mỹ, Minh cũng không chịu “ngồi yên” mà liên tục tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm. Chính việc tham gia nhiều hoạt động, thử sức nhiều ngành nghề khác nhau đã giúp Minh tìm được niềm đam mê và con đường mình muốn đi: Nghiên cứu hóa sinh phục vụ y học.

Luôn sẵn sàng chờ cơ hội

Minh cho biết, những cơ hội đến với bạn hầu hết là do đã có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là khoảng thời gian thực tập tại Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (IBT). Bạn đã đến viện trước một năm để trình bày về nguyện vọng muốn học hỏi và nghiên cứu nhằm chuẩn bị ngành nghề sau này.

Tuy lúc ấy mới chỉ là học sinh THPT nhưng Minh từng là học sinh chuyên Sinh, đồng thời, đã tích lũy kiến thức chuyên ngành trong một thời gian dài để không quá lạc lõng trước các thực tập sinh khác, đều là sinh viên năm cuối. Vì xác định theo ngành y khoa, kỳ nghỉ hè vừa qua, Minh đã xin thực tập tại bệnh viện Bạch Mai.

Minh chia sẻ: “Mình luôn nghĩ, nếu muốn thực tập hoặc làm việc tại môi trường chuyên nghiệp thì phải chuẩn bị kiến thức và kỹ năng từ sớm, đồng thời, có chiến lược cụ thể để đầu tư thời gian, công sức cho đam mê của bản thân”.


Theo Sinh Viên Việt Nam

Bạn có thể quan tâm