Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), vừa cho biết rạng sáng 26/8, khoa Cấp cứu của đơn vị này tiếp nhận bệnh nhi L.H.A.D. (nam, 14 tuổi, ngụ tại Bến Tre) bị rối loạn đông máu nặng do rắn lục đuôi đỏ cắn.
Gia đình chia sẻ tối cùng ngày, em D. vô tình giẫm lên rắn lục đuôi đỏ và bị con vật cắn vào ngón chân phải. Người nhà dùng gạc cầm máu tại vết thương và đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng với xác rắn.
Rắn lục đuôi đỏ có phần đuôi màu đỏ đặc trưng. Ảnh: Thai National Parks. |
Tại đây, các bác sĩ trực khoa Cấp cứu ghi nhận bàn chân phải của bệnh nhi D. sưng bầm lan lên cổ chân, vết rắn cắn ở ngón chân út chảy máu thấm gạc. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có biểu hiện rối loạn đông máu nặng.
Cùng với hình dạng con rắn gia đình mang theo, các bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho bệnh nhi. Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng em D. có cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, trẻ nghỉ học ở nhà. Phụ huynh cần lưu ý phát quang xung quanh nhà, tránh cho rắn, ong, côn trùng... có môi trường ẩn nấp và tấn công trẻ.
Trường hợp bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, bệnh nhân cần được xử trí và theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất trong 12 giờ đầu. Sau 24-48 giờ gặp nạn, việc điều trị cho nạn nhân rất khó khăn hoặc không hiệu quả nếu là rắn độc cắn.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân tuyệt đối không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu để loại trừ bớt nọc độc… mà cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.
Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất; Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.