Hiện nay đang vào mùa mưa bão, lũ lụt có thể xảy ra ở một số địa phương với nhiều trường hợp bị đuối nước dẫn đến tử vong nếu không có các biện pháp thực hiện cứu ngạt nạn nhân có hiệu quả.
Ngoài tai nạn đuối nước do lũ lụt, các tai nạn do chìm đắm ô tô, tàu thuyền... làm nạn nhân bị đuối nước cũng cần được quan tâm xử trí cấp cứu.
Bệnh lý ngạt thở cấp tính do đuối nước
Có thể nói rằng trạng thái ngạt thở cấp tính do nước tràn ngập vào đường hô hấp gây nên ngập lụt ở các phế nang của phổi. Đường hô hấp bị tắc nghẽn do nước tràn ngập; màng phế nang, màng mao mạch bị tiếp xúc trực tiếp với nước gây ra tổn thương tại các màng này dẫn đến tình trạng phù phổi cấp.
Nạn nhân đuối nước bị ngạt thở cấp tính sẽ tạo nên hậu quả là không có khí oxy cung cấp cho các mô tế bào trong toàn bộ cơ thể; trong đó mô tế bào não rất nhạy cảm nếu không có khí oxy cung cấp làm cho tế bào não bị phù cấp tính và tổn thương nặng. Khi nạn nhân đuối nước không được xử trí cứu nạn và cứu đuối kịp thời sẽ bị ngừng tim và tử vong. Thực tế ghi nhận tình trạng đuối nước ướt với đường hô hấp bị ngập nước nặng thường hay gặp, chiếm tỉ lệ từ 85 - 90% các trường hợp bị đuối nước.
Sau khi nạn nhân té ngã xuống nước, ngay lúc phần đầu của nạn nhân bị chìm ngập trong nước sẽ có phản xạ ngừng thở và khoảng 2 phút sau đó phải hít thở vào; nước đã tràn ngập vào mũi miệng nên dù nạn nhân cố gắng hít thở sâu vào đều hoàn toàn vô hiệu và xuất hiện các cơn co cơ, nôn mửa... Tại mũi, miệng của nạn nhân ứ đầy bọt nước và chất nôn; mất các phản xạ và sau từ 2 - 4 phút sẽ dẫn đến tử vong. Tình trạng đuối nước khô xuất hiện sự co thắt thanh quản sau khi phần đầu của nạn nhân chìm ngập trong nước và trạng thái ngạt thở cấp tính dẫn đến sự thiếu khí oxy ở các mô tế bào của toàn bộ cơ thể, sau từ 2 - 3 phút cũng sẽ dẫn đến tử vong.
Các bệnh lý khác ngoài ngạt thở cấp tính
Nạn nhân bị đuối nước ngoài hội chứng ngạt thở cấp tính còn có những biểu hiện bệnh lý khác như: thân nhiệt hạ, toan chuyển hóa và một số thương tổn quan trọng.
Tình trạng thân nhiệt hạ phụ thuộc vào nhiệt độ của nước và thời gian nạn nhân ngâm cơ thể trong nước cho đến khi được cứu vớt lên. Thông thường nhiệt độ nước ở sông, hồ từ 24 - 26oC; mùa đông có thể xuống đến dưới 20oC. Vì vậy khi thân nhiệt hạ xuống ở mức 36oC nạn nhân cảm thấy lạnh, rét run, nếu tiếp tục xuống ở mức 33oC là mức giới hạn thì nhịp tim đập không đều; nếu thân nhiệt xuống dưới 29oC là mức nguy hiểm, ở mức 28oC sẽ xuất hiện bệnh lý rung tim; với mức thân nhiệt từ 24 - 26oC thường sẽ dẫn đến tử vong. Do đó khi cứu nạn, các nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế cần chú ý việc ủ ấm cho nạn nhân để phục hồi thân nhiệt trở lại ở mức bình thường. Nên nhớ việc xác định thân nhiệt của nạn nhân phải dùng nhiệt kế để đo cụ thể.
Tình trạng toan chuyển hóa xảy ra do thiếu khí oxy ở mô tế bào, làm ứ đọng acid lactic do rối loạn chất điện giải và bị nôn mửa nhiều. Ngoài ra có thể thấy tình trạng tán huyết; tăng kali, natri, chlorua máu; tăng thể tích máu.
Đối với những nạn nhân do bị thiên tai như bão, lốc... trong những vụ tai nạn đắm chìm tàu thuyền lênh đênh trên biển, hồ, sông, suối bị trôi dạt nhiều giờ, nhiều ngày trong nước phải vật lộn với sóng to, gió lớn với tình trạng chìm đắm kéo dài cho đến khi được đội tìm kiếm, cứu nạn, cứu đắm, cứu đuối phát hiện vớt lên thường bị đói khát như: trường hợp bị chìm đắm trên biển khơi đều có hiện tượng mệt mỏi, suy nhược cơ thể; bị stress do lo sợ nên tinh thần suy sụp, ức chế, có khi bị câm tạm thời. Thực tế ghi nhận có nạn nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét cấp tính niêm mạc ống tiêu hóa với cơ chế gây loét vì stress. Ngoài ra, có nạn nhân còn bị nhiều vết thương do va đập khi phải đối mặt với sóng to, trôi dạt và có triệu chứng phù cứng xuất hiện tại vùng bị va đạp; đồng thời cũng có nạn nhân bị cá biển cắn đớp khi lênh đênh trên biển nếu ôm được các vật nổi như tấm gỗ, bè phao...
Công tác chăm sóc y tế khẩn cấp
Khi đối mặt với những nạn nhân bị đuối nước cần phải triển khai thực hiện ngay quy trình công tác nghiệp vụ chuyên môn để khám xét nạn nhân và phân loại nạn nhân.
Việc khám xét nạn nhân phải tiến hành toàn diện từ đầu đến chân để phát hiện các tổn thương cần xử trí khẩn cấp. Cần ghi đầy đủ những kết quả khám nghiệm vào tờ trình của nạn nhân để có cơ sở theo dõi sau đó.
Việc phân loại nạn nhân rất cần thiết để xác định các mức độ giúp cho việc xử trí phù hợp. Nạn nhân được phân loại thành 4 mức độ gồm rất nặng, nặng, vừa và nhẹ với các đặc điểm sau đây:
Mức độ rất nặng là mức nguy kịch dẫn tới hôn mê sâu hoặc bất tĩnh, vật vã, kích động, thở chậm, huyết áp hạ thấp, thở rất yếu hay ngừng thở, mạch ở động mạch cảnh và động mạch đùi đập rất yếu, tim đập không đều nhịp; da rất lạnh, màu da tím đậm hay nhợt nhạt, trắng bệch, có những vết màu sẫm. Nếu nạn nhân không được cấp cứu; khẩn trương hồi sức hô hấp, tuần hoàn một cách kịp thời và có hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng mất não do não không được cung cấp khí oxy, bị ngừng tim, toan chuyển hóa nặng và tử vong là điều không thể tránh khỏi.
Các dấu hiện xác định nạn nhân tử vong căn cứ vào tình trạng nhãn cầu mềm, da có mảng màu tím, nhiệt độ cơ thể hạ thấp dưới 25oC; toàn bộ cơ thể bị cứng đờ, lạnh toát.
Mức độ nặng dẫn đến tình trạng thiếu khí oxy ở mô tế bào làm cho tinh thần bị lú lẫn, u ám, có cơn kích động, thở nhanh, thở gấp với những thì ngừng thở; da bị tím sẫm; mạch ngoại vi tuy đập yếu nhưng vẫn còn bắt được, mạch ở động mạch cảnh và động mạch đùi còn đập rõ; tim đập nhanh, huyết áp hạ thấp, thân nhiệt hạ.
Mức độ vừa dẫn đến tình trạng thiếu khí oxy ở mô tế bào ở mức độ vừa. Nạn nhân tỉnh táo, minh mẫn nhưng tinh thần thể hiện sự lo âu, thở nhanh và nông, đường hô hấp tuy thông thương nhưng còn chất đờm dịch ứ đọng làm cản trở sự lưu thông không khí; màu da tím; trạng thái tuần hoàn như mạch đập, nhịp tim, huyết áp tương đối ổn định; thân nhiệt hạ, có trạng thái mệt mỏi, suy nhược.
Mức độ nhẹ với tình hình nạn nhân tỉnh táo, minh mẫn, thở đều nhịp và rõ; không còn ùn tắc dịch tiết đường hô hấp, trạng thái tuần hoàn như mạch đập, nhịp tim, huyết áp ổn định; nạn nhân mệt mỏi, da lạnh, còn cơn rét run vì nạn nhân chưa thật sự phục hồi sau cứu đuối nhưng nhìn chung đã ở trong trạng thái ổn định.
Sau khi phân loại với các mức độ như trên, cần tiến hành ngay việc cấp cứu khẩn cấp đối với các trường hợp ở mức độ rất nặng hay nguy kịch bằng các biện pháp như:
Tiếp tục kiểm tra việc thông khí đường hô hấp; nhanh chóng hút, móc, lấy các chất nôn, bùn đất gây nên sự tắc nghẽn; lau sạch mũi, miệng, họng. Đặt ống thông miệng hầu để lưu thông khí và giữ cho lưỡi không bị tụt ra phía sau và có tác dụng ngăn nạn nhân dùng răng cắn các ống xông, đồng thời vẫn bảo đảm được việc hút chất đờm dịch ở miệng hầu và luôn giữ cho miệng nạn nhân há mở. Không khí có thể lưu thông qua lòng ống hoặc qua các rãnh bên của ống. Ngoài ra, cũng có thể đặt ống thông mũi hầu để bảo đảm sự lưu thông khí tốt ở đường hô hấp. Việc chọn đặt ống thông miệng hầu hoặc ống thông mũi hầu tùy thuộc vào tình trạng co cứng cơ hàm của nạn nhân nặng hay nhẹ.
Cho thở khí oxy với trang thiết bị thông khí và máy thở oxy lưu động trong bộ cấp cứu hồi sức hô hấp xách tay. Đối với nạn nhân bị đuối nước ở mức độ vừa, còn tỉnh táo, minh mẫn thì cho thở oxy qua ống xông ở mũi. Đối với nạn nhân bị đuối nước ở mức độ nặng và rất nặng cần thực hiện việc thông khí và thở oxy qua mặt nạ hoặc bằng bộ cấp cứu hồi sức hô hấp xách tay; bóp bóng bằng tay và sau đó dùng hô hấp viện trợ bằng máy. Nên dùng thuốc an thần khi nạn nhân dẫy dụa, bị kích động để bảo đảm cho công tác hô hấp viện trợ.
Thực hiện công tác cấp cứu hồi sức tim mạch như ép tim ngoài lồng ngực ngay nếu nạn nhân ngừng tim cho đến khi tim đập trở lại, cho thuốc trợ tim mạch, truyền dịch cần thiết. Đối với nạn nhân bị đuối nước ở mức độ nặng và rất nặng biểu hiện bằng dấu hiệu huyết áp hạ thấp, thân nhiệt hạ... phải đặt bộ truyền tĩnh mạch; có thể truyền bổ sung dịch truyền bicarbonat khi cần.
Sau khi bổ sung đủ dịch truyền nếu nạn nhân có lượng nước tiểu giảm trong tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu thì cho thuốc lợi tiểu nhưng chú ý theo dõi để dự phòng tình trạng phù não. Đặt ống hút dịch dạ dày nếu nạn nhân bị trướng bụng do liệt dạ dày, ruột.
Cho thuốc kháng sinh và theo dõi biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp khi bị ngạt do đuối nước ướt với một lượng nước tràn vào đường hô hấp.
Giữ ấm bằng cách đắp chăn ủ ấm cho nạn nhân, để nạn nhân ở tư thế hồi phục an toàn; khi nạn nhân có trạng thái tinh thần, da ấm, mạch, nhịp thở, huyết áp đã thật sự ổn định có thể cho ngồi dậy và đi lại bình thường.