Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu phó chủ tịch xã mất lương dù chưa bị buộc tội

Sau một năm vướng vào điều tra, cựu phó chủ tịch UBND một xã ở Cà Mau bị trừ hết lương. Cho rằng việc này không đúng pháp luật, ông làm đơn khiếu nại.

Ngày 17/9, ông Trần Hoàng Anh, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cho biết đã làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng của tỉnh này để yêu cầu huyện trả 50% lương theo luật Cán bộ, công chức và Nghị định 34 của Chính phủ. Trước đó, đơn của ông đã bị Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh bác.

Cuu pho chu tich xa mat luong anh 1
Ông Trần Hoàng Anh. Ảnh: Việt Tường.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 11/2013, ông Hoàng Anh bị công an huyện bắt để điều tra một số vấn đề về chế độ chính sách cho người có công.

Tháng 11/2016, ông được tại ngoại thì biết UBND xã Ngọc Chánh đã cắt 50% lương còn lại theo quy định, bắt đầu từ tháng 1/2015.

Ông Hoàng Anh khiếu nại thì UBND xã Ngọc Chánh đưa ra quyết định của UBND huyện Đầm Dơi về việc bãi nhiệm chức vụ của ông với lý do "vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Quyết định do Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Võ Thanh Tòng ký ngày 15/1/2015.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 34 của Chính phủ thì trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Ngoài quyết định bãi nhiệm, UBND xã Ngọc Chánh cũng căn cứ công văn của Sở Nội vụ Cà Mau gửi Phòng Nội vụ Năm Căn (không phải huyện Đầm Dơi - PV), ký ngày 8/4/2015, về việc không trả lương cho cán bộ xã bị miễn nhiệm, để làm căn cứ không trả lương cho ông Hoàng Anh.

"Công văn của Sở Nội vụ Cà Mau gửi cho huyện Năm Căn chứ không phải Đầm Dơi nên UBND xã Ngọc Chánh lấy đó làm căn cứ là sai. Công văn của Sở Nội vụ có sau quyết định bãi nhiệm của tôi hơn 2 tháng nên lấy đó để áp dụng thì càng sai", ông Hoàng Anh nêu quan điểm.

Phóng viên liên hệ Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh Lê Minh Vui và ông này nói việc không trả lương cho ông Hoàng Anh là đúng. Ông Hoàng Anh không đồng tình nên khiếu nại lên cấp trên.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nói ông Hoàng Anh có thể kiện hoặc khiếu nại quyết định bãi nhiệm của UBND huyện Đầm Dơi. Khi thắng kiện, ông Hoàng Anh sẽ được truy lĩnh các chế độ theo quy định.

Theo bản án sơ thẩm ngày 7/4/2017, TAND huyện Đầm Dơi cho rằng khi còn đương chức, từ cuối năm 2010 đến đầu 2011, ông Hoàng Anh hai lần ký giấy cho cán bộ thống kê và kế toán rút 384 triệu đồng từ nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào thiểu số. Sau khi rút tiền, thuộc cấp của ông oàng Anh giao cho phó chủ tịch quản lý.

Theo cơ quan chức năng, có 47 người sau đó nói chữ ký trong danh sách nhận tiền là không phải của họ. Từ đó, các cơ quan tố tụng huyện Đầm Dơi cho rằng ông Hoàng Anh chiếm đoạt 141 triệu đồng.

Với cáo buộc trên, TAND huyện Đầm Dơi  tuyên ông Hoàng Anh 8 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Một tuần trước, bản án này bị TAND tỉnh Cà Mau hủy vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Cuu pho chu tich xa mat luong anh 2
Xã Ngọc Chánh (màu đỏ) ở Cà Mau. Ảnh: Google Maps.

Điều tra lại vụ cựu lãnh đạo xã bị cáo buộc lạm quyền, tham ô

Sau nhiều lần ông Hoàng Anh ra tòa với hàng loạt cáo buộc của các cơ quan tố tụng ở Cà Mau, hai vụ án liên quan đến nguyên phó chủ tịch xã này đã quay lại từ đầu.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm