Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: 'Tôi đã nhận cái kết cay đắng'

Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong tòa tuyên mức án nhẹ. Riêng cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông thừa nhận do thiếu kiến thức pháp luật nên phạm tội.

Bị cáo nhờ nâng điểm thi mong nhận án nhẹ để đi chữa bệnh Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, nói rất ân hận vì mất đi tất cả. Bị cáo mong tòa giảm nhẹ hình phạt để đi chữa bệnh.

Chiều 18/10, phiên tòa xét xử 5 bị cáo vụ gian lận thi cử THPT năm 2018 ở Hà Giang kết thúc tranh luận để HĐXX nghị án. Các bị cáo lần lượt nói lời sau cùng trước khi tòa sơ thẩm ra phán quyết.

Chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho biết tòa sẽ tuyên án vào 8h ngày 25/10.

Bước đến bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT) đứng khom người, tay chắp ra phía trước. Người bị đề nghị mức án cao nhất trong 5 bị cáo (8-9 năm tù) thừa nhận cáo trạng VKS truy tố ông ta là đúng người, đúng tội.

Nói rằng bản thân có tuổi, Hoài đã nhận thức được hành vi phạm tội. Quá trình công tác, bị cáo đã có đóng góp cho ngành giáo dục nên mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

"Máy tính của tôi đang bị tạm giữ có nhiều đề thi và gia phả. Tôi xin copy để cho con tôi được biết về gia phả", bị cáo đề đạt nguyện vọng.

Bi cao vu sua diem thi Ha Giang anh 1
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài rời tòa chiều 18/10. Ảnh: Việt Hùng.

Tiếp đó, Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí) nói lời sau cùng. Nguyên kỹ thuật viên máy tính của Sở GD&ĐT cũng nhận thức rõ được hành vi phạm tội. Anh ta cho rằng bản thân đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải.

"Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân tỉnh Hà Giang; xin lỗi bố mẹ, người thân, bạn bè", Vũ Trọng Lương trình bày và một lần nữa tỏ sự ân hận.

Cuối cùng, bị cáo Lương mong được nhận bản án thấp nhất để có cơ hội làm lại từ đầu.

Là người thứ 3 nói lời sau cùng, bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) giãi bày khi xảy ra vụ việc, bà vô cùng đau xót bởi bản thân là một nhà giáo.

Bà nói dù 107 thí sinh Hà Giang được nâng điểm vượt khỏi sự kiểm soát của bà nhưng lúc đó với cương vị Phó giám đốc, bị cáo đã nhận trách nhiệm về mình.

Nói về vệc đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài để nhờ xem điểm, bà Chính nhận sai. "Tôi xin lỗi lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tôi sẵn sàng chịu kỷ luật trong ngành nhưng tôi khẳng định tôi không phạm tội", nữ bị cáo nhắc lại.

Bi cao vu sua diem thi Ha Giang anh 2
Bà Triệu Thị Chính là bị cáo duy nhất chối tội. Ảnh: Việt Hùng.

Tiếp đó, bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) cũng gửi lời xin lỗi Đảng, nhân dân, người thân và gia đình vì sai lầm của bản thân.

Bị cáo Khuông cám ơn HĐXX đã đánh giá, xem xét các sai phạm và chỉ ra những thiếu sót trong cuộc sống và công việc của bị cáo.

"Gần 40 năm công tác tôi không nghĩ sẽ phải nhận cái kết cay đắng như thế này", bị cáo nói và tự trách mình đã thiếu kiến thức pháp luật, thiếu sự thận trọng, cảnh giác. Như các bị cáo nói trước đó, ông cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để tuổi già được thanh thản.

Bà Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) là bị cáo cuối cùng được trình bày. Nữ cựu công an thừa nhận đã làm sai, làm trái pháp luật và đồng ý với truy tố của VKS.

"Tôi rất ân hận vì mất đi tất cả, mất đi danh dự và nghề nghiệp", bị cáo sinh năm 1969 nói và mong HĐXX xem xét sự thành khẩn của bản thân vì bị cáo đã chủ động thú nhận toàn bộ sự việc trước khi Cơ quan An ninh điều tra đến làm việc.

Ngoài ra, bà Dung cũng mong tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa sai, chữa bệnh.

Nữ bị cáo vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang khóc khi chối tội

Đứng trước tòa để tự bào chữa, cựu nữ Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Triệu Thị Chính đã khóc và cho rằng bản thân không phạm tội.



Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm