Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Đặng Thanh Bình nghẹn ngào tự bào chữa

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng cho rằng bản thân tham gia đề án tái cơ cấu với động cơ hết sức trong sáng, nhưng "không phải nhiệm vụ nào chúng ta cũng có thể làm tốt được".

Chiều 27/6, phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.

Bị cáo Bình: Tham gia với mục đích trong sáng, không vụ lợi

Luật sư Nguyễn Xuân Bính (bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình) cho rằng để làm rõ thân chủ của ông có thiếu trách nhiệm hay không thì có các văn bản ghi nhận quyền hạn, trách nhiệm thể hiện rõ trong quyết định 1239. Bên cạnh đó, còn có quyết định 78 về việc thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu, trong đó ông Bình có chức năng tham mưu cho lãnh đạo NHNN chứ không làm thay công việc.

Luật sư Bính cho rằng cơ quan thanh tra giám sát là cơ quan trực tiếp, thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo NHNN xem xét. Liên quan việc tái cơ cấu đều được cơ quan giám sát trình và được ông Bình xem xét kỹ. Ông Bình không hề bỏ sót một tờ trình nào.

Về việc VKS cho rằng bị cáo Bình thiếu trách nhiệm, theo luật sư chưa có căn cứ. VKS cáo buộc ông Bình là người cho ông Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, theo luật sư, ngày 3/7/2012, cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu. Điều này thể hiện trong kết luận cuộc họp.

Luật sư cho rằng cựu Phó thống đốc NHNN đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình, quyết định này là của tập thể NHNN chứ không riêng thân chủ của ông.

Nguyên nhân đổ vỡ tái cơ cấu do ông Phạm Công Danh đã có thủ đoạn rất tinh vi, che dấu sự thật. Do đó, hậu quả của vụ án không có liên quan tới nguyên nhân VKS đưa ra.

Luật sư mong được đánh giá khách quan, đúng đắn, đề nghị VKS xem xét lại buộc tội đối với ông Bình, để đưa ra một phán quyết đúng, đảm bảo quyền lợi của ông Bình.

Dang Thanh Binh anh 1
Bị cáo Bình nghẹn ngào khi tự bào chữa cho mình. Ảnh: Nguyễn Diễm.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trình bày phần bào chữa bổ sung cho ông Bình nhấn mạnh, quyết định đưa ông Danh vào đề án tái cơ cấu là thuộc tập thể NHNN thuộc trách nhiệm của tập thể NHNN. Ông Bình đã thực hiện các công việc chuẩn mực, đúng đắn trong quyền hạn của mình. Với mức án đề nghị 4-5 năm tù là một áp lực khủng khiếp đối với ông Bình, các cán bộ NHNN. Luật sư mong muốn VKS xem xét tổng thể, quá trình vụ án để không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bình.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Bình cho biết thời điểm 2010-2012 rất khó khăn về kinh tế, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng thường trực. Hệ thống NHNN chứng kiến mức lãi suất ngân hàng cao kỷ lục. Do đó chỉ cần một động thái nhỏ cũng đe dọa đến hệ thống ngân hàng. Thực hiện đề án tái cơ cấu khi năng lực tài chính hạn chế không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tái cơ cấu là điều kiện bắt buộc phải làm.

Bị cáo cho rằng bản thân tham gia đề án tái cơ cấu với động cơ hết sức trong sáng, không vụ lợi. "Nhưng không phải nhiệm vụ nào chúng ta cũng có thể làm tốt được", ông Bình nghẹn lời khi kết thúc phần bào chữa.

Đề xuất cho hưởng án treo

Luật sư Vũ Phi Long (bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thanh và Hà Tấn Phước) cho rằng 2 bị cáo này đã bị cơ quan tạm giam 7 tháng, đây là một sự trả giá vô ý. Chỉ vì quyết tâm làm việc mà bị cáo phải chịu tù tội đến 7 tháng.

Đặc biệt, luật sư cho biết tình trạng sức khỏe của bị cáo Hà Tấn Phước không được tốt, bị cáo này đã ngất xỉu ngay sau kết thúc phiên tòa trước đó. Vì vậy, luật sư mong muốn HĐXX khoan hồng và xem xét cho các bị cáo, kiến nghị cho hai bị cáo hưởng án treo.

Luật sư Ngô Thị Thanh Thảo (bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thanh) chỉ ra, Luật thanh tra giám sát, không có một quy định nào về công tác giám sát. Như vậy, những quyền cũng như nghĩa vụ của tổ giám sát không là luật, tức không có tính chất chế tài. Do đó, theo luật sư, không có căn cứ để xử lý ông Thanh.

Dang Thanh Binh anh 2
Ông Bình và 4 đồng phạm trong ngày xét xử thứ 3. Ảnh: Hoài Thanh.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thanh) cho rằng có nhiều điểm vi phạm luật tố tụng bởi lời khai của bị cáo Thanh và Lê Văn Thanh là lời khai sinh đôi. Luật sư nghi ngờ cơ quan điều tra đã cắt dán lời khai của hai bị cáo. Do đó, mong HĐXX xem xét cho bị cáo Thanh được miễn hình phạt.

Trước đó, sáng 27/6, VKS đã đề nghị 4-5 năm tù đối với bị cáo Đặng Thanh Bình, bị cáo Hà Tấn Phước 30-36 tháng tù; Lê Văn Thanh 3 năm-3 năm 6 tháng tù; Ngô Văn Thanh 24-36 tháng tù; Phạm Thế Tuân 30-36 tháng tù.

VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo do người sử dụng tiền là Phạm Công Danh.

Đại diện VKS cũng kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB.

Ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng.

Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm tổ trưởng.

Ngân hàng Đại Tín được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát.

Ông Bình và 4 đồng phạm đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này. 

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị 4-5 năm tù

Cho rằng việc truy cứu 5 bị cáo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, đúng người và đúng tội, VKS đề nghị ông Đặng Thanh Bình 4-5 năm tù.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm