Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu sinh viên ĐH Văn Hiến cho chữ ngày xuân

Nguyễn Thị Minh Anh là một trong nhiều người cho chữ đầu năm ở phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Với Minh Anh, việc cho chữ chính là cách lưu giữ văn hóa dân tộc.

Khi nhiều người trẻ lựa chọn trở về quê ăn Tết cùng gia đình, Nguyễn Thị Minh Anh (23 tuổi), cựu sinh viên ngành Kế toán, ĐH Văn Hiến chọn ở lại TP.HCM để làm "cô đồ" cho chữ đầu năm.

Quê của Minh Anh ở Ninh Thuận. Đây là năm đầu tiên cô gái không về quê ăn Tết cùng gia đình. Cựu sinh viên ĐH Văn Hiến dự định sẽ về quê ăn Tết muộn, sau khi hoàn thành công việc cho chữ và tự cách ly 14 ngày ở TP.HCM.

Cuu sinh vien DH Van Hien cho chu o pho ong do anh 1

Minh Anh đang viết chữ thư pháp lên phong bao lì xì. Ảnh: Phương Minh.

Nữ giới cũng có thể trở thành bà đồ

Giữa phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Minh Anh mặc bộ áo dài trắng truyền thống, tóc vấn trần, dùng mực tàu màu vàng để vẽ và viết chữ trên phong bao lì xì, thiệp đỏ. Đây là năm thứ 2 Minh Anh cho chữ ở phố ông đồ.

Ra trường, Minh Anh làm kế toán. Vào những ngày cuối năm, cô gái quê Ninh Thuận thường cho chữ ở phố ông đồ (TP.HCM) để kiếm thêm thu nhập và thỏa mãn đam mê viết chữ thư pháp của bản thân.

Chia sẻ với Zing, Minh Anh nói: "Tôi không muốn bản thân cứng nhắc như những con số nên đã chọn học chữ thư pháp. Làm việc này giúp tôi có thể lắng nghe tâm tư của mọi người và được mọi người lắng nghe những câu chuyện của mình".

Cuu sinh vien DH Van Hien cho chu o pho ong do anh 2

Minh Anh đeo khẩu trang khi cho chữ để phòng tránh dịch. Ảnh: Phương Minh.

Nguyễn Thị Minh Anh học chữ thư pháp ở thầy Đức Tự được 3 năm. Đối với việc học chữ và cho chữ, cô cho rằng phụ nữ cũng có thể trở thành "bà đồ".

"Ngày xưa, nữ giới không được học cao, chỉ được ở nhà nội trợ. Bây giờ, bình đẳng giới, nhiều phụ nữ như tôi cho chữ ngày xuân cũng là điều bình thường" - Minh Anh nói.

Lưu giữ văn hóa với nét chữ "bình an"

Những ngày đầu năm, khi tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Minh Anh cho biết, có nhiều người tới xin chữ bình an hơn. Khi cho chữ, "cô đồ 23 tuổi" hy vọng dịch bệnh sẽ qua nhanh.

Năm trước, Minh Anh cho chữ ở phố ông đồ tới 29 âm lịch, sau đó về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng năm nay, công việc của cô kéo dài tới ngày rằm tháng riêng.

Mỗi ngày, Minh Anh thường cho chữ từ 8h tới 22h. Có ngày làm việc tới 0 giờ.

Cựu sinh viên ĐH Văn Hiến không nhận mình là thần may mắn. "Tôi là người trẻ, yêu thích thư pháp và làm công việc cho chữ. Tôi chỉ mong muốn có thể mang lại may mắn của con chữ tới mọi người mà thôi", Minh Anh nói.

Cuu sinh vien DH Van Hien cho chu o pho ong do anh 3

"Bình An" là chữ được Minh Anh viết nhiều nhất vào những ngày đầu năm. Ảnh: Phương Minh.

Đối với Minh Anh, việc học thư pháp là một trong những cách giúp cô lưu giữ nét văn hóa dân tộc.

Hai tháng đầu là khoảng thời gian Minh Anh cảm thấy khó khăn nhất, vì phải nhớ các nét chữ cơ bản. Cựu sinh viên ĐH Văn Hiến cho hay để học thư pháp, người học cần đức kiên nhẫn.

Ngoài việc yêu thích thư pháp, Minh Anh thích tìm hiểu lịch sử dân tộc qua những video, tư liệu sách vở. Chia sẻ với Zing, cô cho biết bản thân thường xuyên xem các câu chuyện lịch sử qua video trên mạng xã hội.

Giao bài tập về nhà dịp Tết: Nên hay không?

Quan điểm không nên giao bài tập về nhà dịp Tết, nhất là với học sinh nhỏ tuổi được giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chuyên gia ủng hộ.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm