"C
uộc sống luôn chứa đựng nhiều điều diệu kỳ bất ngờ. Chỉ cần chúng ta cứ cố gắng, cứ cần mẫn và không cầu được đáp đền, may mắn tự khắc xuất hiện. Giống như mình chưa từng nghĩ học giỏi để được ai ghi nhận. Có lẽ sự cần mẫn cùng niềm say mê học thuật của mình đã được các thầy cô để ý và tạo điều kiện tặng phần quà này".
"Phần quà" Hoàng Kiều Oanh (22 tuổi, Hà Nội) nói tới là học bổng du học thạc sĩ 3 ngành Quản trị Kinh doanh, Kế Toán và Truyền thông cô nhận được từ ĐH Angelo State, Mỹ.
Kiều Oanh vừa tốt nghiệp loại xuất sắc chương trình cử nhân Kinh doanh liên kết giữa ĐH Bedfordshire (Anh) và ĐH Ngoại thương Hà Nội với điểm trung bình (GPA) ấn tượng 3,88/4.
Suốt cuộc trò chuyện, Oanh luôn khiêm tốn khi nói về bản thân. Thế nhưng, cô gái 22 tuổi này đang "ôm" giấc mơ không hề tầm thường: Trở thành người thành công để có thể truyền cảm hứng cho bạn trẻ Việt, đặc biệt là phái yếu, về giá trị, tiềm năng, sức ảnh hưởng của mình với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Kiều Oanh vừa tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình (GPA) 3,88/4. |
Từng là cô bé mọt sách, hay bị trêu 'giỏi đều'
Nhìn vào profile của Hoàng Kiều Oanh với một số thành tích nổi bật như giải nhì học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố Hà Nội năm lớp 9; đỗ cùng lúc 3 trường chuyên: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (chuyên Lý), THPT chuyên ĐH Tổng hợp (chuyên Lý) và THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội (thủ khoa đầu vào chuyên Văn), lời khen "con ngoan trò giỏi" ngay lập tức được dành cho cô gái.
Tuy nhiên, Oanh từ chối nhận. 9X nói đơn giản mình từ nhỏ hay được mọi người trêu là mọt sách và "giỏi đều". Ước mơ đi du học cũng sớm hình thành trong cô.
Khi ấy, cô bé lớp 3 thích "Tây học" vì thấy anh chị du học sinh mình biết rất "oai" khi vừa có ngoại hình đẹp lại tài giỏi, giàu có. Tuy nhiên, ngày nhỏ ham chơi, Oanh chưa quyết tâm học ngoại ngữ.
Lên cấp 3, Oanh định hướng đi du học. Cô chơi chung với nhóm bạn học tiếng Anh rất giỏi nên được "lôi kéo" học ngoại ngữ nhiều hơn. Song kết quả chưa rõ ràng, vì lý do Oanh cho là muôn thuở: Chỉ học vì biết tiếng Anh cần, chứ không thật sự yêu thích nên không chăm chỉ.
Bước ngoặt cho quyết tâm học ngoại ngữ của Kiều Oanh chỉ đến khi cô theo học chương trình cử nhân Kinh doanh liên kết giữa ĐH Bedforshire (Anh) và ĐH Ngoại thương, khoa Đào tạo quốc tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội.
ĐH Bedforshire yêu cầu rõ ràng về đầu vào, đầu ra của sinh viên, hơn nữa tất cả môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đó là áp lực lớn khiến Oanh nghiêm túc học tiếng Anh để thi IELTS và sử dụng thường xuyên.
Mẹ Kiều Oanh không muốn cho con gái đi du học quá sớm nên định hướng cho con học chương trình liên kết quốc tế ở ĐH Ngoại thương. |
Chương trình cử nhân Kinh doanh khá thú vị khi có môn các bạn khoa khác học một chương trong một tháng, lớp Oanh chỉ học gói gọn trong một buổi. Thầy cô thường lấy ví dụ và ra bài tập cho sinh viên về các vấn đề nóng. Ví như chủ đề VinFast, lớp Oanh đã làm bài phân tích và hoạch định định hướng phát triển từ đầu năm 2018.
Trải qua 4 năm đại học, Kiều Oanh khá tiếc khi học hành không thật sự quyết tâm do chú tâm nhiều thứ ngoài sách vở và đi dạy, làm thêm nhiều. Nhưng Oanh nói may mắn với những môn cô thích như Micro Economics (Kinh tế vi mô) và Accounting (Kế toán) đều được 100/100 điểm ở tất cả bài kiểm tra lớn nhỏ trong suốt 2 năm học.
Dự định học 2 bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Luật kinh tế quốc tế
Tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình 3,88, thầy cô trong khoa Đào tạo quốc tế đã tạo điều kiện cho Kiều Oanh nhận được học bổng thạc sĩ 3 ngành Quản trị Kinh doanh, Kế Toán và Truyền thông của ĐH Angelo State (trong top 800 đại học tốt nhất nước Mỹ, theo Times Higher Education).
"Đây là món quà bất ngờ vì mình chưa có ý định apply học bổng thạc sĩ. Mình quan niệm học phải đi đôi với hành, học để làm việc chứ không phải để có tấm bằng cho yên tâm rồi lại vứt xó, như vậy rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc.
Đôi khi mình cảm thấy bản thân chưa thực sự xứng đáng. Nhưng điều đó khiến mình tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để đền đáp kỳ vọng và tâm huyết của những người đã trao cho mình cơ hội", Kiều Oanh tâm sự về học bổng mới nhận được.
Từ khi chưa trở thành sinh viên năm nhất đại học, Kiều Oanh đã nhận làm gia sư môn Toán cho học sinh cấp 2 thi vào THPT và cấp 3 thi đại học; dạy kèm Toán, Khoa học và Luật cho học sinh trường song ngữ, quốc tế. |
Đứng trước lựa chọn ngành học thạc sĩ, Oanh nghiêng về Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, điều cô cân nhắc hơn cả lúc này là kinh nghiệm. Oanh không muốn chỉ có thêm chữ thạc sĩ Quản trị kinh doanh gắn với tên mình trên danh thiếp. Với 9X, kinh doanh là "thực chiến".
Kiều Oanh quyết định đi làm để học hỏi thêm kinh nghiệm trong khoảng 1-2 năm nữa mới học lên thạc sĩ. Trong tương lai, cô sẽ cố gắng học thêm bằng thạc sĩ về Luật kinh tế quốc tế.
Tự nhận không phải "con nhà nòi" trong lĩnh vực kinh doanh khi gia đình nhiều đời là trí thức, Kiều Oanh có niềm tò mò, yêu thích và muốn chinh phục lĩnh vực đầy năng động và thách thức này.
"Càng lớn mình càng nhận thấy nhiều tiềm năng ở đất nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Mình muốn làm kinh tế vì vừa được thoả sức với niềm yêu thích, vừa muốn giúp đỡ gia đình, góp sức để Việt Nam có thể 'mở mang bờ cõi' hơn nữa. Vì sản phẩm người Việt đến đâu, biên giới Việt Nam đến đó", Kiều Oanh chia sẻ.
Hiện tại, Oanh ấp ủ dự án startup nhỏ. 5 năm nữa, cựu sinh viên Ngoại thương muốn trở thành nhà quản lý về sales và marketing ở công ty hay tập đoàn đa quốc gia.
Với bấy nhiêu thành tích đáng nể, cô gái Hà thành vẫn lắc đầu khi được khen giỏi giang. 9X cho rằng mình chưa bằng ai và đôi khi còn chưa chăm chỉ, quyết tâm phát huy hết khả năng.
Tuy nhiên, điều cô cảm thấy tự hào là bản thân chưa bao giờ gục ngã bởi những thăng trầm, cú shock từ khi còn nhỏ để đến giờ vẫn sống tử tế, có bản lĩnh, tự lập và tích cực, trở thành điểm tựa của mẹ và em trai.
Không phải "con nhà nòi" kinh doanh nhưng Kiều Oanh vẫn quyết tâm đi theo con đường này. |
Người ta vẫn nói: "Lo học mà không chơi là đánh rơi tuổi trẻ". Kiều Oanh vừa tốt nghiệp đại học đã đi làm và dự định học thạc sĩ trong 1-2 năm tới.
Thắc mắc cuộc sống của cô nàng chỉ lo học và học, Oanh cười: "Mẹ chỉ lo mình ham chơi quá mà quên học ấy, chứ điều ngược lại thì không".
9X nhận mình có suy nghĩ "cụ non" khi cần, còn bình thường như đứa trẻ con mẫu giáo to xác. Ngoài học và đi làm, Oanh hay đọc sách, viết tản văn, vẽ vời, đàn hát nghêu ngao, rồi cà phê với bạn bè.
Mừng khi con trai 'chạy mất dép' vì thấy mình quá độc lập
"Mọi người thường nghĩ mẹ mình nhàn lắm vì từ bé mình đã dễ nuôi, lại có ý thức học hành. Nhưng đổi lại, sự bướng bỉnh, đàn ông, đầu gấu và quá thẳng thắn của con gái là những điều mẹ luôn phải lo lắng, rèn giũa để mình sửa đổi", Kiều Oanh vui vẻ nói.
Với Kiều Oanh, mẹ vừa làm cha, vừa làm mẹ để sát sao quan tâm dạy dỗ, vừa là người bạn tâm lý để thấu hiểu, chia sẻ mọi điều. |
Mẹ và bà nội có sức ảnh hưởng lớn nhất đến Kiều Oanh, là hình mẫu cô theo đuổi trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Ở họ, Oanh ngưỡng mộ bản lĩnh, sự tài giỏi, sắc sảo ngoài xã hội và sự đảm đang, khéo léo, nhân hậu, hết lòng vì gia đình.
Nhiều điều mẹ dạy, Oanh nghe. Khi sai, mẹ cũng không ngại thừa nhận và cố gắng thay đổi. Những điều mẹ không dạy bằng lời, cứ thế làm không cần kể công. Theo năm tháng, Oanh quan sát cách mẹ sống và học hỏi theo nhận thức của mình.
Nói về người mẹ kính yêu, Oanh dùng những từ khá cá tính: "Mẹ hội tụ đầy đủ cả truyền thống lẫn hiện đại, Á lẫn Âu, tình cảm, can trường, không khuất phục, không ngại khó, ngại khổ".
Là cô gái có tính cách độc lập, lại có "máu" kinh doanh, khởi nghiệp, Kiều Oanh bật cười khi được hỏi có sợ bản thân giỏi và kiên cường quá khiến các chàng trai "chạy mất dép".
9X còn cho rằng đây là điểm đáng mừng vì có thể tiết kiệm được thời gian cho việc xứng đáng hơn là lo lắng vẩn vơ về những người đàn ông không đủ tự tin.
Lên đến cấp 3, Kiều Oanh vẫn tuyệt đối không nghĩ đến chuyện yêu đương vì sợ xao nhãng học hành. Thậm chí, bạn bè đang chơi với nhau bình thường bỗng có người thích mình, Oanh né ngay vì sợ "lây hư".
"Hồi ấy vừa ngốc nghếch, vừa xấu tính ghê", Oanh bật cười nhớ lại.
Tới đại học, Oanh vẫn ôm khư khư tư tưởng đó, cho tới gần cuối năm 3, một chàng trai xuất hiện khiến cô dám bước ra khỏi vùng an toàn và chấp nhận những xáo trộn trong cuộc sống. Khi đó, cô gái hiểu rằng không phải mình quá ngoan nên nghe lời mẹ lâu đến vậy, mà bởi cô sợ thất bại và tổn thương.
Oanh tự miêu tả bản thân bằng 3 từ: Độc lập, đa nhân cách và "phổi bò". Kiều Oanh không đặt ra hình mẫu bạn trai lý tưởng, cô chỉ cần nửa kia yêu thương gia đình. |
Mối tình đầu đời kéo dài hơn một năm không có cái kết viên mãn nhưng giúp Oanh trưởng thành về nhận thức, quan điểm sống và hiểu bản thân hơn. Cô cũng nhận ra cuộc sống đầy rẫy bất ngờ và vô thường. Nó đẹp, đáng sống cũng chính bởi điều đó.
"Chỉ cần chúng ta luôn yêu gia đình, yêu bản thân, những chuyện khác đều có an bài. Khi ta sống lương thiện, tin vào những điều tốt đẹp, chắc chắn sẽ không điều xấu nào xảy tới cả bởi con người vẫn luôn là nhân chi sơ, tính bản thiện", Oanh bộc bạch.
"Tử tế là ngôn ngữ khiến người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy" là bài học Kiều Oanh tâm đắc nhất.
Lẽ sống của cô là dũng cảm để tử tế với tất cả và "thương được cứ thương đi". Đôi khi ta có thể buồn vì lừa lọc đã mọc quanh như cỏ lá, để người với người ngày một phôi pha. Nhưng tất cả điều không hay ấy không thể làm mình rụt tay khi đủ bản lĩnh. Vậy nên xót thôi, không nên giận hay trách ai cả, bởi tốt xấu trên đời đều có căn nguyên của nó.