Liên quan vụ bị cấm học một năm vì... photo giáo trình, chiều 14/2, ĐH Luật TP.HCM đã phát đi thông cáo báo chí, có đoạn:
"Nhà trường kiên quyết xử lý để ngăn chặn nhằm cảnh báo, tăng tính hiệu quả giáo dục, giúp sinh viên nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với sinh viên ngành luật - những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý".
Phản ứng trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phản đối cách vận dụng quy chế để kỷ luật sinh viên trong trường hợp này. Phản ứng mạnh nhất là những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chuyên gia luật là cựu sinh viên các khóa 20 trở về trước.
Trên trang cá nhân của luật sư Vương Sơn Hà (cựu sinh viên khóa 17), Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tây Ninh, ông nói nếu áp dụng quy chế này vào thời ông đang theo học trường luật, chính ông cũng sẽ bị kỷ luật.
Trong khi đó, kiểm sát viên Trương Việt Hường (cựu sinh viên lớp Hành chính K18) cũng nói nếu nghèo như ông, chắc cũng bị đuổi học vì sao chép tài liệu.
ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
Thẩm phán Nguyễn Xuân Khê, cựu sinh viên lớp Tư pháp K17 cho rằng nhà trường đã ra quyết định không hợp tình, hợp lý.
Có ý kiến đề nghị luật sư Vương Sơn Hà đứng ra bảo vệ em sinh viên. Tuy nhiên, luật sư Hà cho biết trước ông đã có luật sư Huỳnh Công Thư (cựu sinh viên lớp tòa án K15) xung phong bảo vệ miễn phí và sẵn sàng trợ giúp các chi phí khởi kiện.
Sự việc được nối dài trong dư luận theo các chiều hướng khác nhau. Ngay trong trường hợp việc kỷ luật là đúng, theo nhiều chuyên gia, vẫn có thể đảm bảo xử nghiêm mà không làm mất đi của em sinh viên nghèo một năm cơ hội học tập.
Có lẽ, tình chứ không phải là lý, mới là thứ khiến dư luận phản ứng căng thẳng như thế và mới khiến nhiều cựu sinh viên ĐH Luật TP.HCM trong vai trò luật sư, sẵn sàng tham gia một vụ kiện mà đối thủ là lãnh đạo hiện nay của ngôi trường ngày xưa của mình.
Trước đó, sinh viên NTNA (đang học năm hai khoa Luật dân sự khóa 40, ĐH Luật TP.HCM), ngày 11/1, bị phát hiện mang theo 8 quyển giáo trình photo đến trường.
NA sau đó bị nhà trường ra quyết định đình chỉ một năm học vì “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.
Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt đình chỉ học tập một năm là quá nặng, hy vọng ĐH Luật TP.HCM sẽ xem xét lại mức kỷ luật đối với sinh viên NA.
Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường vẫn là sinh viên này đã nhiều lần photo giáo trình của nhà trường, không chỉ để sử dụng cho cá nhân mà còn chuyển giao cho người khác tiếp tục sử dụng.
Nhà trường đã có nội quy rõ về điều này và từng kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ học tập một năm đối với vài trường hợp. Sinh viên ý thức rõ việc làm này là sai trái nhưng vẫn cố tình vi phạm nên hình thức kỷ luật trên là chính đáng, đúng mực.
Hiệu trưởng ĐH Luật, bà Mai Hồng Quỳ, khẳng định mọi quy chế, nội quy của nhà trường được ban hành và vận dụng theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH năm 2012.