Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứu sống mẹ con sản phụ bị thấp tim

Để vừa đảm bảo tính mạng cho mẹ và em bé, các bác sĩ đã trải qua một cuộc đấu trí cam go và cân não, không được phép sai lầm trong mọi trường hợp.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa cứu sống thành công sản phụ Nguyễn Thị Na (25 tuổi, Quảng Bình) với chẩn đoán kẹt van nhân tạo khi đang mang thai 32 tuần.

TS.BS Phạm Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng C2 Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết sản phụ Na bị bệnh lý thấp tim đã thay van 2 lá nhân tạo tại bệnh viên địa phương cách đây 4 năm. Bệnh nhân vẫn uống thuốc đều đặn, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe ở bệnh viện tỉnh.

Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 32, chị Na đột nhiên xuất hiện khó thở, tăng dần khi đi lại. Kết quả siêu âm chẩn đoán kẹt van nhân tạo do huyết khối ở tuần thứ 32 của thai kỳ, sản phụ được chuyển đến Viện Tim mạch.

Tại đây, các bác sĩ nghe thấy tiếng van nhân tạo còn khá rõ, phổi bình thường, không có tiếng ran ẩm, huyết áp không thấp, tình trạng khó thở lúc này vẫn chưa đến mức dữ dội hoặc phù phổi cấp.

Siêu âm tim thấy mức độ chênh áp qua van nhân tạo không quá cao như các ca bệnh kẹt van tim do huyết khối nặng khác cần phải mổ cấp cứu ngay. Mặc dù vậy, diễn biến nặng lên cũng là điều khó lường ở sản phụ này. Nếu bác sĩ mổ thay van tim cho mẹ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi.

Ngược lại, nếu mổ lấy thai trước khi mổ thay van tim cho mẹ thì có thể thai nhi chưa thực sự trưởng thành. Lúc này trọng lượng thai đo được trên siêu âm khoảng 1,5-1,7 kg.

me con san phu don than bi thap tim anh 1
Niềm vui của bệnh nhân Na trong ngày được ra viện. Ảnh: Đ.H.

Trước tình huống này, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, hội chẩn và cân nhắc mọi điều hơn thiệt đối với sản phụ và thai nhi. Một quyết định rất táo bạo đã được đưa ra là tiếp tục chĐểống đông máu hiệu quả đối với mẹ, tranh thủ thời gian này để thai phát triển và hoàn thiện thêm, cố gắng mổ lấy thai ở tuần thứ 34 và sau đó thay van tim cho mẹ.

“Rất may mắn, trong suốt khoảng thời gian theo dõi và điều trị, tình trạng bệnh nhân khá ổn định, khó thở vừa phải, chênh áp qua van tim trên siêu âm Doppler tim không quá cao, thai nhi phát triển bình thường và có tăng cân. Đến ngày thứ 17 của quá trình theo dõi, cũng là lúc thai nhi bước sang tuần thứ 35 tuần, khoảng 12h, sản phụ đột ngột khó thở nhiều lên, tim đập nhanh và siêu âm tim thấy chênh áp qua van nhân tạo tăng 4-5 lần so với ngày hôm trước”, TS Nga kể lại.

Lúc này,  PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng đã chỉ đạo chuyển sản phụ ngay đến Phòng Cấp cứu Tim Mạch C1, dùng thuốc trung hòa thuốc chống đông máu trong người sản phụ và liên hệ với PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai, để mổ lấy thai ngay trong chiều cùng ngày.

Một bé gái khỏe mạnh, nặng 2,2 kg đã chào đời trong niềm vui hân hoan của gia đình và các nhân viên y tế. Khi tính mạng của sản phụ đã tạm thời an toàn, sản phụ được chuyển về Viện Tim mạch để tiếp tục hồi sức, chuẩn bị cho cuộc mổ thay van tim nhân tạo bị huyết khối gây kẹt vào ngày hôm sau.

Một tuần sau mổ, sản phụ Na đã khỏe mạnh và xuất viện về với con nhỏ.

Nói về ca bệnh này, PGS Cường cho biết trước đây các bác sĩ Viện Tim mạch đã điều trị cho nhiều sản phụ kẹt van tim. Tuy nhiên đa số ca bệnh đều phải phẫu thuật thay van tim sớm chứ không kéo dài được như sản phụ này.

“Đây thật sự là một cuộc đấu trí cam go và cân não của người thầy thuốc và trong mọi trường hợp không được phép sai lầm. Duy trì an toàn được cho cả sản phụ và thai nhi từ 32 đến 35 tuần, trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ mổ thay van tim thành công là một điều hiếm gặp”, PGS Cường nhận định.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm