Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội ma có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Gây ô nhiễm môi trường, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận điều tra, với vai trò là thứ trưởng Bộ TN&MT, phụ trách việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, quan nghiên cứu tờ trình của Tổng cục Địa chất & khoáng sản và hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Linh Ngọc biết rõ Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện được cấp phép.
Tuy nhiên, cựu thứ trưởng Bộ TN&MT vẫn ký giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho Công ty Thái Dương khai thác, dẫn đến công ty này khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Linh Ngọc khi còn đương chức. Ảnh: Media Quốc hội. |
Hành vi của ông Nguyễn Linh Ngọc bị cho là đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3, Điều 219 BLHS.
Theo kết luận điều tra, với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Dương, năm 2019-2023, ông Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo, tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng trị giá hơn 864 tỷ đồng.
CQĐT xác định ông Huấn đã bán trái phép hơn 10 triệu kg quặng đất hiếm trị giá hơn 403 tỷ đồng và hơn 280 triệu kg quặng sắt, trị giá hơn 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Đại gia Huấn còn chỉ đạo bị can Nguyễn Văn Chính (khi đó là Phó TGĐ, kiêm kế toán trưởng Công ty Thái Dương) xuất hóa đơn bán quặng đất hiếm và quặng sắt ghi đơn giá thấp hơn giá bán thực tế, qua đó khai man, để ngoài sổ sách kế toán hơn 27 tỷ đồng doanh thu, không kê khai nộp thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9 tỷ đồng tiền thuế.
Kết luận điều tra xác định ông Chính đã giúp Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương chỉ đạo, tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng trị giá hơn 864 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, bị can Lưu Anh Tuấn với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đất hiếm Việt Nam đã thỏa thuận với ông Đoàn Văn Huấn xuất hóa đơn mua bán đất hiếm ghi thấp hơn giá trị thực tế, qua đó giúp ông Huấn khai man, để ngoài sổ sách kế toán, che giấu hơn 20 tỷ đồng doanh thu, không kê khai thuế, gây thiệt hại tiền thuế cho Nhà nước hơn hơn 7,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Tuấn sử dụng 15 hóa đơn phản ánh số lượng vật tư đầu vào nhiều hơn thực tế mua bán tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng để hạch toán, kê khai thuế, vi phạm pháp luật về kế toán, gây thiệt hại tiền thuế cho Nhà nước hơn 4 tỷ đồng.
CQĐT xác định hành vi của ông Tuấn gây thiệt hại cho tiền thuế nhà nước hơn 11 tỷ đồng. Trong đó bị can phải liên đới chịu trách nhiệm với ông Huấn đối với thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng, chịu trách nhiệm chính với số tiền thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
Theo CQĐT, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đất hiếm Việt Nam còn có hành vi buôn lậu. Cụ thể, năm 2019-2023, ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên khai báo hải quan gian dối mã hàng hóa, mã loại hình xuất khẩu và nguồn gốc nguyên liệu dùng để sản xuất xuất khẩu tại 63 tờ khai hải quan, qua đó Công ty CP đất hiếm Việt Nam xuất khẩu trái pháp luật 474,98 tấn “tổng oxit đất hiếm”, trị giá hơn 379 tỷ đồng.
Công ty Thái Dương không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đạt chuẩn theo quy định của pháp luật, chưa được phép xả thải ra môi trường, nhưng trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 10/2023, ông Huấn đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Lai xả, đổ ra môi trường trái pháp luật hơn 348.000 tấn bùn thải quặng đuôi; chỉ đạo Lê Văn Cẩn đổ ra môi trường trái pháp luật 2.425 tấn bùn thải lẫn thải thạch cao.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.