Sáng 22/4, TAND Hà Nội lần thứ 3 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) và 9 bị cáo liên quan sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Ngoài yêu cầu đại diện các đơn vị gồm Bộ Công Thương, UBND TP.HCM và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải có mặt, HĐXX cũng triệu tập ông Nguyễn Nam Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, với tư cách người liên quan.
Tại 2 phiên xử bị hoãn trước đó, HĐXX từng triệu tập ông Nguyễn Nam Hải nhưng người này vắng mặt. Vậy, ông Hải liên quan gì đến vụ án này?
Ký văn bản liên quan đất vàng ở quận 1
Theo cáo trạng, tháng 3/2006, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo 80 TP.HCM để Sabeco giữ lại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, mục đích xây tổ hợp khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê. Theo quy định, tài sản này không được thành lập pháp nhân mới.
Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng nằm giữa các tuyến phố trung tâm quận 1. Ảnh: Chí Hùng. |
Thực hiện dự án trên, tháng 4/2007, Sabeco liên doanh thành lập Công ty CP Bất động sản Sabeco Land. Sau đó, pháp nhân mới này thuê tư vấn, thiết kế công trình Tòa nhà Sabeco Tower để thực hiện dự án tổ hợp trên.
Bốn tháng sau đó, trên cơ sở công văn đề nghị của Sabeco về việc xin chuyển mục đích sử dụng đất xây khách sạn và trung tâm thương mại, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó là Nguyễn Hữu Tín đã đồng ý với đề xuất của Sabeco.
Đến tháng 7/2011, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tài sản này là hơn 1.236 tỷ đồng. Do số tiền phải nộp quá lớn, Sabeco không thể nộp đúng hạn, nên đơn vị này báo cáo cơ quan chủ quản.
Ngày 24/10/2012, cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải ký công văn số 10194 gửi UBND TP.HCM để đề nghị chính quyền gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco.
Công văn do ông Nguyễn Nam Hải ký cũng đề cập nội dung sau khi thành phố gia hạn nộp tiền, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sabeco khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm để triển khai dự án hiệu quả.
Nhiều cựu sếp Sabeco bị đề nghị xử lý
Ngoài đề cập đến vai trò của cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, VKS còn xác định trong vụ án, trách nhiệm chính về sai phạm trong hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco, đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc liên doanh, liên kết thực hiện dự án.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải. Ảnh: Moit.gov.vn. |
Việc liên kết với doanh nghiệp nào cũng đều do lãnh đạo bộ chủ quản quyết định. Ông Phan Đăng Tuất là người làm theo chỉ đạo nên chưa căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đề nghị xử lý về Đảng và chính quyền đối với ông Tuất.
Đối với nguyên Tổng giám đốc Sabeco Phạm Thị Hồng Hạnh và một số cán bộ cấp dưới, VKS xác định họ đã tham gia họp, ký một số văn bản trên cơ sở chỉ đạo, phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Theo cáo buộc, bà Hạnh và cấp dưới phải chấp hành chỉ đạo của cơ quan chủ quản. Cơ quan điều tra đề nghị áp dụng hình thức xử lý tương tự như với ông Tuất.
Một số cá nhân khác cũng bị cơ quan điều tra kiến nghị xử lý về Đảng và chính quyền là các ông Võ Thanh Hà, người kế nhiệm ông Phan Đăng Tuất, và ông Nguyễn Minh An, cựu Phó tổng giám đốc Sabeco.
Đối với bà Hồ Thị Kim Thoa (đang trốn truy nã), VKS xác định khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, bị can này biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được giao cho Sabeco để quản lý, sử dụng nhưng vẫn báo cáo ông Vũ Huy Hoàng phê duyệt, sau đó ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để chuyển quyền sử dụng khu đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.
Hành vi của bà Thoa và các bị can khác đã dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng đất từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân trái pháp luật. Hậu quả gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.