Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngã gục trong lúc phát biểu tại thành phố Nara, sau một tiếng nổ, đài truyền hình NHK đưa tin trưa 8/7.
Ông Abe không có dấu hiệu sinh tồn sau vụ tấn công. Cảnh sát báo cáo rằng nghi phạm đã tiếp cận cựu thủ tướng từ phía sau và bắn ông bằng một khẩu súng hoa cải.
Vụ việc gây chấn động Nhật Bản, nhất là khi quốc gia này vốn nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm dùng súng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Theo Business Insider, Nhật Bản có dân số khoảng 127 triệu người nhưng hiếm khi chứng kiến hơn 10 ca tử vong vì súng mỗi năm. Văn hóa và luật nghiêm ngặt là những nguyên nhân chính khiến súng đạn cực kỳ khó sở hữu.
Iain Overton, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV), nói với BBC: "Kể từ khi súng xuất hiện tại Nhật Bản, đất nước này luôn có quy định chặt chẽ về quyền kiểm soát súng. Đây là nước đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới. Tôi nghĩ luật pháp đã đặt ra nền tảng rằng súng thực sự không đóng một vai trò nào trong xã hội dân sự tại Nhật".
Thi viết, thực hành và kiểm tra sức khỏe tâm thần
Thành công của Nhật Bản trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do súng có liên quan mật thiết đến lịch sử của nước này.
Sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa hòa bình nổi lên như một trong những triết lý thống trị trong nước. Cảnh sát bắt đầu được trang bị súng sau khi quân đội Mỹ chế tạo vào năm 1946, vì mục đích an ninh.
Kể từ năm 1958, luật pháp Nhật Bản quy định rằng "không ai được sở hữu bất kỳ loại súng nào".
Sau này, chính phủ đã nới lỏng luật nhưng nhìn chung vẫn kiểm soát rất chặt chẽ.
Nếu người Nhật muốn sở hữu một khẩu súng, họ phải tham gia khóa học, vượt qua bài kiểm tra viết và đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài thi thực hành.
Nghi phạm bắn ông Abe bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Ảnh: Asahi. |
Sau đó, người thi đạt phải vượt qua cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần tại bệnh viện. Họ cũng được kiểm tra lý lịch bao gồm: hồ sơ tội phạm và phỏng vấn bạn bè, gia đình.
Những người vượt qua tất cả các lớp học và bài kiểm tra chỉ được mua súng ngắn và súng hơi. Cứ 3 năm, họ phải đi học và kiểm tra lại nếu muốn tiếp tục sở hữu súng.
Nếu chủ sở hữu qua đời, người thân phải giao nộp súng cho chính phủ.
Nhật Bản quan niệm càng ít súng được lưu hành thì tỷ lệ phạm tội, tử vong càng thấp.
Mỗi quận có quy mô từ nửa triệu người đến 12 triệu người ở Tokyo không được có nhiều hơn 3 cửa hàng súng. Những nơi này chỉ có thể mua các băng đạn mới sau khi tiêu thụ hết số băng đạn cũ.
Yakuza cũng e dè
Không chỉ người dân, ngay cả cảnh sát Nhật Bản cũng hiếm khi sử dụng súng.
Những án mạng tại đất nước mặt trời mọc cũng ít liên quan đến súng. Hung thủ chủ yếu dùng dao trong các vụ giết người, gây thương tích hàng loạt.
Vào tháng 7/2016, một người đàn ông đã đâm chết 19 người tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa.
Luật pháp nghiêm ngặt đến mức ngay cả yakuza, tổ chức tội phạm khét tiếng tại Nhật, cũng phải dè chừng.
Việc sở hữu súng hợp pháp là cực kỳ khó khăn tại Nhật. Ảnh: CBS News. |
"Theo luật hiện hành, nếu một yakuza cấp thấp bị bắt với súng và đạn, người này sẽ bị buộc tội nặng hơn và sau đó phải đối mặt án tù trung bình 7 năm", phóng viên lâu năm tại Nhật Bản Jake Adelstein viết trên The Japan Times.
Trong bài báo năm 2012 cho The Atlantic, nhà báo Max Fisher nói rằng súng ở Nhật Bản gần như chỉ được sử dụng cho các mục đích như săn bắn, nhu cầu nghề nghiệp và những cuộc thi bắn súng.
Nhờ luật kiểm soát súng đạn, Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm dùng súng rất thấp. Năm 2013, tỷ lệ giết người bằng súng ở Mỹ cao gấp 350 lần ở Nhật Bản.
Năm 2019, xứ cờ hoa ghi nhận có hơn 4 vụ giết người bằng súng trên 100.000 người. Tỷ lệ này gần như bằng 0 ở xứ Phù tang.