Đầu năm 2018, một thành viên thuộc băng đảng yakuza đã đến Sở cảnh sát Tokyo yêu cầu giúp đỡ rời khỏi tổ chức.
Người đàn ông 27 tuổi này từng có 3 năm làm tài xế cho hàng ngũ cấp cao trong nhóm nhưng muốn rời đi vì không thể chi trả khoản phí thành viên.
Tuy nhiên, anh không biết cách tìm việc làm như những ứng viên bình thường. "Tôi sống ở thế giới đó quá lâu để biết cách đi xin việc", anh nói với Mainichi.
Ông Takashi Nakamoto, từng là thành viên một băng đảng yakuza, hiện làm chủ một nhà hàng mì udon ở thành phố Kitakyushu. Ảnh: Taro Karibe/The Washington Post. |
Sau cùng, người đàn ông này đã tìm đến Trung tâm Xóa bỏ các tổ chức tội phạm ở Tokyo để được tư vấn về sự nghiệp.
Anh được nhận làm công nhân ở một công ty bảo trì thiết bị, rồi lên chức trưởng bộ phận sau một năm làm việc.
"Tôi có thể tiến xa tới mức này là nhờ những người đã bỏ qua định kiến về các cựu yakuza. Giờ, tôi chỉ muốn cống hiến cho công ty", anh nói.
Trung tâm Xóa bỏ các tổ chức tội phạm Tokyo cho biết họ thấu hiểu hoàn cảnh của các cựu yakuza khi tìm việc làm sau khi rời bỏ thế giới ngầm.
Đa số đều tìm việc thông qua trung tâm, song chỉ có khoảng 10 người đến nghe tư vấn mỗi năm.
"Các cựu yakuza luôn coi trọng thể diện. Họ khó chấp nhận việc phải tham khảo ý kiến của một tổ chức công để được hỗ trợ", một nhân viên trung tâm cho biết.
Với cựu thành viên băng đảng, trở ngại lớn nhất khi trở về cuộc sống hàng ngày là thuyết phục nhà tuyển dụng để giành được cơ hội việc làm. Điều đó giúp họ có thu nhập, ổn định sinh hoạt, tránh quay lại với băng nhóm hay phạm tội.
Nhiều yakuza hoàn lương khó tìm việc làm vì sở hữu hình xăm, khuyết đốt ngón tay. Ảnh: Anadolu Agency. |
Một người đàn ông 40 tuổi, sống ở Tokyo cũng từng là thành viên của một tổ chức mafia cho tới năm 2013.
Anh nói rằng ngành ngân hàng có quy định cấm cựu yakuza mở tài khoản cá nhân trong vòng 5 năm kể từ khi hoàn lương.
Vì thế, họ buộc phải giải thích cho nhà tuyển dụng về tình huống trên, khiến họ rơi vào thế bất lợi khi ứng tuyển.
"Tôi may mắn có người quen điều hành một công ty nên mới được vào làm. Nhiều người khác xin được việc song phải nghỉ làm vì có hình xăm, khuyết đầu ngón tay. Vô số người thất nghiệp, giao lưu với kẻ xấu và lại quay về đường cũ", anh kể.
Trước tình hình trên, các sở cảnh sát và cơ quan chức năng ở Nhật Bản đang nỗ lực hỗ trợ việc làm cho những người muốn rời bỏ tổ chức yakuza.
Năm 2016, Cảnh sát tỉnh Fukuoka đã ký thỏa thuận với nhiều sở cảnh sát trên toàn quốc để đưa ra các lựa chọn việc làm bên ngoài tỉnh. Làm vậy, các cựu yakuza sẽ dễ tìm được việc làm hơn, ít mối quan hệ với các băng đảng khác.
Họ cũng chu cấp khoản tiền mặt tối đa 720.000 yen cho các công ty nhận một cựu thành viên yakuza làm nhân viên.
Cảnh sát tỉnh Hyogo cũng thực hiện biện pháp tương tự nhằm hỗ trợ những người muốn hoàn lương.
Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên vẫn còn nhiều hạn chế.
"Hiện chưa có hệ thống theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc, mức độ thích ứng của các cựu yakuza. Vì thế, các công ty phải chịu rủi ro cao khi nhận những ứng viên như vậy", luật sư Motoo Kakizoe, chuyên gia về các tổ chức tội phạm, nói.
Ông cho rằng cần trau dồi nguồn nhân lực chuyên biệt để hỗ trợ các cựu yakuza sát sao, đảm bảo cuộc sống cho họ.