Tại buổi khám và tư vấn miễn phí với chủ đề “Hiểu biết bệnh lý sỏi mật: Cách phòng bệnh và điều trị”, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thơ, Phó giám đốc bệnh viện, chia sẻ ông từng tiếp nhận nữ bệnh nhân ở Hải Phòng mắc sỏi mật có màu da xanh ngắt, đen sạm.
"Màu da của bệnh nhân này khiến nhiều bác sĩ nhớ đến giờ. Nhiều người bất ngờ và ví bệnh nhân như diễn viên trong phim Avatar", PGS Thơ kẻ.
Lúc này, gan của người phụ nữ đã quá yếu, không thể phẫu thuật. Đây là ca bệnh đáng tiếc, bệnh nhân mắc sỏi mật nhưng không đến viện điều trị mà uống rất nhiều loại thuốc nam, dẫn tới bệnh nặng, không thể cứu gan. PGS Thơ cho biết nữ bệnh nhân qua đời 2 năm sau đó.
Sáng 28/9, hàng trăm bệnh nhân tới khám các bệnh lý về gan mật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: H.Q. |
Theo TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm, bác sĩ của khoa khám cho khoảng 3.000 người mắc các bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật. Trong đó, hơn 1.000 ca liên quan bệnh lý sỏi mật.
“Tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao. 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Các ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Việt Đức liên quan bệnh lý này hầu hết đều ở giai đoạn muộn”, bác sĩ Tuấn Anh cho hay.
Hiện, tỷ lệ bệnh sỏi mật ở nước ta vẫn rất cao. Người dân ở nông thôn mắc nhiều do tình trạng nhiễm ký sinh trùng, phần lớn bắt nguồn từ việc bón phân bắc.
Tỷ lệ người dân thành thị mắc các bệnh lý sỏi túi mật cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân là chế độ ăn không cân đối, ăn quá nhiều chất béo nói chung như sữa, bơ, dầu, mỡ…, dẫn tới tích những sỏi cholesterol trong mật.
PGS Thơ nói từng có bệnh nhân 10 tuổi bị sỏi túi mật, liên quan bệnh rối loạn chuyển hóa. Nguyên nhân gây sỏi cũng có thể do trẻ nhiễm giun. Giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo xác và dần biến thành sỏi trong mật.
Bên cạnh đó, so với nam, phái nữ dễ mắc sỏi mật hơn, đặc biệt, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai do có liên quan nội tiết tố.
Bệnh sỏi túi mật có thể được phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, trong cơn sốt có rét run, có dấu hiệu vàng da…, cần đến cơ sở y tế thăm khám.
Nếu chủ quan, không khám định kỳ khi có sỏi, người bệnh rất dễ gặp nhiều biến chứng như viêm hoại tử túi mật hoặc sỏi rơi vào đường mật gây biến chứng viêm tụy cấp, tắc mật cấp…
PGS Thơ khám cho bệnh nhân tại viện. Ảnh: H.Q. |
Theo PGS Thơ, phương pháp thông thường xử lý sỏi đường mật là phẫu thuật. Tán sỏi qua da chỉ sử dụng với tán sỏi túi mật là chính.
“Sỏi túi mật thường cứng nên khi dùng xung sóng tán dễ vỡ hơn. Trong khi đó, sỏi đường mật tán ngoài cơ thể rất khó do cấu tạo đường mật hẹp, gấp khúc. Khi tán được rồi, liệu những mảnh sỏi nhỏ có ra được hay không mới khó. Ở phương Tây, với trường hợp tán sỏi qua da, các bác sĩ sẽ phải chỉ định thuốc tán sỏi cho bệnh nhân để sỏi dễ tan hơn, ra khỏi cơ thể. Nhưng thực tế, tỷ lệ thành công thấp”, bác sĩ Thơ cho hay.
Vì thế, Việt Nam không áp dụng tán sỏi qua da với sỏi đường mật vì rất ít thành công. Do đó, khi phát hiện sỏi túi mật, phương pháp chính là phẫu thuật hoặc làm thủ thuật lấy sỏi qua nội soi ngược dòng.