Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạ hội cuối cấp của học sinh Mỹ ‘phá sản’ do dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng tại Mỹ, nhiều bữa tiệc của học sinh nước này có khả năng bị hủy bỏ mà không có phương án thay thế.

Ước mơ của Emily Appleton (17 tuổi) là được mặc một chiếc váy thật lộng lẫy và khiêu vũ cùng “chàng hoàng tử” của mình trong tiệc dạ hội cuối cấp. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang trong tình hình căng thẳng, ước mơ của Appleton có thể bị dập tắt và khiến hàng triệu học sinh trung học tại Mỹ bỏ lỡ bữa tiệc quan trọng nhất trước khi tốt nghiệp.

Dạ tiệc cuối năm (Prom được viết tắt từ “promenade”), có nghĩa là cuộc dạo chơi. Đây là truyền thống lâu đời dành cho những học sinh cuối cấp tại Mỹ, thường được tổ chức vào tháng 4 đến tháng 6 trước khi tốt nghiệp.

Ke hoach da hoi cuoi cap cua hoc sinh My co nguy co pha san do dich anh 1

Trong dạ tiệc cuối năm, người tham dự thường cùng nhau ăn mừng, khiêu vũ, chụp hình và trò chuyện.

Kế hoạch tổ chức sự kiện này có thể phức tạp như một đám cưới, với các khâu chuẩn bị công phu như đặt mua váy dạ hội trước nhiều tháng, thuê các nhà tạo mẫu tóc, chuyên gia trang điểm và xe limousine để đưa rước những người tham dự bữa tiệc, trang trí sảnh tiệc, tập văn nghệ...

Theo Reuters, kế hoạch đó có nguy cơ bị “phá sản” khi lệnh phong tỏa ở nhiều bang có thể kéo dài đến hết mùa thu. Không chỉ riêng Emily Appleton mà nhiều học sinh sắp tốt nghiệp vào năm 2020 cũng đang trong tình trạng thất vọng khi biết tin này.

Hiện tại, giống như hàng triệu học sinh khác trên khắp nước Mỹ, điều mà những cô gái ở South Shore (bang Massachusetts), có thể làm lúc này là ngắm nhìn chiếc váy dạ hội được treo sẵn trong phòng ngủ từ tháng 12 và gọi video tâm sự với những người bạn cũng đang đối mặt với một tương lai vô vọng trong đại dịch.

Còn tại Boston, Lucie Mareira, Shea Mikalauskis và những học sinh trung học khác cảm thấy phấn chấn hơn khi được một hãng tin tổ chức buổi chụp hình với những bộ váy dạ hội. Thay vì giày cao gót như những nàng công chúa, họ chỉ mang dép đơn điệu và cùng nhau đi dạo quanh Ponkapoag Pond ở Canton.

“Thật nhẹ nhõm khi rời bỏ được cảm giác bức bối trong người. Hiện chúng tôi không còn cảm thấy buồn triền miên vì không có vũ hội nữa. Những người khác cũng cảm thấy tương tự chúng tôi”, Lucie Mareira nói với Reuters.

Cùng quan điểm với bạn mình, Mikalauski cũng cho rằng những hoạt động ngoài trời đã giúp cả nhóm lấy lại tinh thần. “Sau khi thực hiện xong buổi chụp, chúng tôi đã giúp đỡ những người khác bằng cách nói rằng chúng tôi cũng sẽ vượt qua điều đó”, Mikalauskis chia sẻ.

Các thiếu niên khác cho hay họ đã vượt qua khoảng thời gian buồn tẻ của việc phong tỏa bằng cách tập thể dục, làm bánh, viết nhật ký hoặc trò chuyện với bạn bè.

“Tất cả ngày trong tuần đều giống như chủ nhật” là cảm giác khá phổ biến với nhiều học sinh Mỹ trong thời gian gần đây.

Với chút thông tin ít ỏi về việc hoạt động trở lại của các trường học, học sinh Mỹ đang đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn: Trả chi phí cao cho các lớp học trực tuyến với chất lượng kém hơn học trên lớp hay nghỉ hẳn một học kỳ hoặc một năm.

Dù sự lựa chọn là gì thì đối với nhiều người, thời gian nghỉ dịch cũng mang lại cho họ nhiều trải nghiệm và bài học quý giá.

“Sau mùa dịch, tôi học được cách nhận biết ai mới là bạn thật sự của mình”, Lauren Norton (18 tuổi) nói với Reuters.

'Chuyển việc mùa dịch, tôi kiếm thêm bằng cả tháng lương'

Trong thời điểm khó khăn, nhiều người trẻ xem dịch bệnh là cơ hội để chuyển hướng công việc.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm