Mặc dù giá phòng khách sạn, nhà nghỉ đã tăng 25-30% so với ngày thường, Đà Lạt vẫn không đủ số lượng phòng phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách trong kỳ nghỉ lễ này. Theo quan sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, trưa 30/4, chỉ trong nửa tiếng, chủ nhà nghỉ Lan Đài trên đường 3 tháng 4 đã phải trả lời “hết phòng” với hơn 20 trường hợp đến hỏi thuê phòng.
Tối 30/4, tại ngã 4 Phan Chu Trinh, khá xa trung tâm, vẫn có nhiều khách vật vờ thuyết phục các chủ nhà trọ xin nghỉ qua đêm. Họ sẵn sàng chấp nhận một chỗ nghỉ lưng trải nệm, nhà vệ sinh không có nước nóng với giá 500.000 đồng một phòng.
Nhiều người xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để đến lượt đi đạp vịt trên hồ Xuân Hương sáng 1/5. Ảnh: Nguyễn Vinh. |
Theo nguồn tin từ một cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, từ 28/4 đến 1/5, các cơ sở lưu trú, khách sạn trong thành phố này đã đăng ký lưu trú cho hơn 84.000 du khách. Tuy nhiên con số thực có thể sẽ còn hơn như thế, vì rất nhiều du khách không tìm được phòng khách sạn, nhà nghỉ ngả lưng, đã chọn giải pháp đi thuyết phục nhà dân xin ở lại tạm thời.
Nhiều dịch vụ tham quan, vui chơi trong kỳ nghỉ lễ đã tăng giá so với ngày thường. Dịch vụ đi xe ngựa từ bờ bồ Xuân Hương (đoạn giáp đường Đinh Tiên Hoàng) đến vườn hoa, hai chiều, chừng 4 km, với giá 300.000 đồng (trong khi giá ngày thường là 180.000 đồng).
Ở hồ Xuân Hương, sáng 1/5, đám đông những người mua vé đạp vịt trên hồ phải ngồi dưới nắng xếp hàng dài chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt.
Trưa 1/5, nhiều con đường ở trung tâm Đà Lạt như Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu… kẹt cứng vì xe du lịch. Các hàng quán ăn uống, lưu niệm, quà cáp đặc sản địa phương ở khu trung tâm cũng tấp nập, chen chúc khách vào ra.
Với khí trời mát dịu, sáng nắng ráo, chiều mưa, đêm có sương mù, Đà Lạt trở nên lý tưởng với du khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay.
Theo một nhân viên trực tổng đài của dịch vụ đặt phòng qua mạng Best Price, sau 2/5 Đà Lạt mới thoát khỏi tình trạng hết phòng. Như vậy, có thể từ ngày mai, 2/5 trở đi, không khí quá tải ở thành phố xứ lạnh này mới được hạ nhiệt.