Trong phiên họp thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31/5, ông Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu An Giang, đặt câu hỏi về công bằng cho những thí sinh trượt đại học vì gian lận thi cử.
Cần gọi bổ sung thí sinh trượt oan
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng Bộ GD&ĐT mới chỉ giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động với thí sinh bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận thi THPT quốc gia 2018.
Ông đề nghị bộ và các trường đã loại thí sinh gian lận thì phải gọi, công nhận những em đã mất cơ hội, nhằm đảm bảo công bằng.
Ông Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị gọi bổ sung thí sinh trượt oan. |
“Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong sự kiện gian lận lần này”, ông Bộ nhấn mạnh.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định, Bộ Công an đã trả 53 thí sinh Hòa Bình, Sơn La được nâng điểm về địa phương. Các trường quân đội cũng trả 7 trường hợp về địa phương.
Tính đến tháng 5, 82 thí sinh trên cả nước bị hủy kết quả học tập tại trường đại học, cao đẳng vì liên quan gian lận điểm thi. Trong khi đó, nhiều thí sinh bị trượt chỉ vì thiếu 0,25 hay 0,45 điểm, Những em này lẽ ra có thể trúng tuyển nếu gian lận điểm thi không xảy ra.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết sẽ không gọi bổ sung thí sinh trượt oan vì con số 82 em bị đuổi quá nhỏ so với những thí sinh trúng tuyển mà không nhập học.
Đại diện Bộ GD&ĐT nêu vấn đề: Nếu giải quyết theo hướng cho 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ thì sẽ phải làm gì để giải quyết cho 82 thí sinh ở các nguyện vọng thấp hơn? Vì vậy, tuyển bổ sung sẽ tạo ra hiệu ứng domino với tất cả nguyện vọng của thí sinh, gây xáo trộn lớn toàn bộ hệ thống.
Mã hóa dữ liệu tránh gian lận
Trước đó, cũng tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi THPT quốc gia đã giảm bớt áp lực, khắc phục được tình trạng không minh bạch, tiến tới thi trung thực. Tuy nhiên, năm 2018, gian lận ở một số địa phương, đặc biệt ở khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ
Công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi. Công tác thanh kiểm tra chưa thực sự sâu sát trong các khâu, đặc biệt trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Theo ông Nhạ, ban chỉ đạo thi, hội đồng thi cấp địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt công tác chọn cán bộ tham gia kỳ thi chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến một số người chủ động thông đồng với nhau để gian lận.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết ngay sau khi nhận phản ánh về gian lận, bộ đã làm nghiêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an điều tra xác minh, bước đầu có kết quả.
Thí sinh được nâng điểm đã đưa về điểm thật, các em chưa đủ điểm vào đại học đã bị trả lại địa phương. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua hội nghị trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can, đối tượng liên quan. Các địa phương tiếp tục xử lý theo trách nhiệm của mình. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cho ra khỏi ngành những cá nhân hoặc học sinh có dấu hiệu vi phạm đã được công an xác minh. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng gian lận, bộ đã tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn kỹ, điều cán bộ coi thi, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác chấm thi, giao cho các trường đại học đứng ra phụ trách. Phần mềm được nâng cấp, mã hóa toàn bộ dữ liệu đánh phách, lắp camera để giám sát chặt chẽ kỳ thi. Bài thi tự luận được chấm hai vòng, chấm thử nghiệm 5% bài thi và chấm lại những bài đạt điểm cao.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Minh Quân. |
Đại biểu Quốc hội tranh luận về kỳ thi THPT quốc gia
Tranh luận với ý kiến của Bộ trưởng GD&ĐT về việc kỳ thi THPT quốc gia đã giảm bớt áp lực, khắc phục được tình trạng không minh bạch, tiến tới thi trung thực, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nhận định từ khi tổ chức kỳ thi chung luôn có bất cập, hệ luỵ xảy ra ngày càng trầm trọng, nhất là 2018.
Theo bà Dung, việc tích hợp hai kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ còn xảy ra những hệ luỵ khó lường. Bà lập luận, đối với kỳ thi tốt nghiệp, đây là quá trình được đánh giá qua cả 3 năm với khối lượng kiến thức rất lớn. Vì vậy, một vài môn thi tốt nghiệp cũng không đủ đánh giá cả quá trình.
Nếu như trong quá trình học, các em phải đạt 5 điểm mỗi môn trở lên mới đạt yêu cầu, thì ở kỳ thi tốt nghiệp chỉ cần không bị điểm liệt là có thể được công nhận, nếu tổng điểm đạt yêu cầu.
Về vấn đề hướng tới tự chủ đại học, nữ đại biểu cho rằng nên để các trường chủ động trong quá trình tuyển sinh, vì vậy cần tách 2 hai kỳ thi. Việc xét tốt nghiệp nên giao lại cho địa phương phụ trách.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng có ý kiến tranh luận với đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) và đại biểu Nguyễn Thị Dung về vấn đề gộp 2 kỳ thi này.
Ủng hộ việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, bà Phúc cho rằng sáng kiến này đã phát huy nhiều ưu điểm như giảm áp lực, giảm tốn kém cho người dân và toàn xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh chọn trường, tăng cường phân luồng.
“Thí sinh thi tại địa phương có tâm lý thoải mái hơn, gia đình cũng giảm được chi phí sinh hoạt và đi lại. Ngoài ra, kỳ thi này cũng khiến thí sinh có thái độ học tập nghiêm túc hơn”, nữ đại biểu khẳng định.
Cũng theo bà Phúc, kỳ thi THPT quốc gia đã trở thành căn cứ rất quan trọng cho tất cả trường phổ thông đánh giá lại chất lượng giáo dục, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học trong cả quá trình.
Sau khi gian lận thi cử bị phanh phui, 53 thí sinh bị các trường công an trả về, có em được nâng đến 26,55 điểm. Trong khi đó, nhiều thí sinh trượt chỉ vì thiếu 0,1-0,5 điểm.
Đinh Văn Cầu (21 tuổi, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) xét tuyển khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) với 25,75 điểm, đủ mức trúng tuyển vào trường. Do số lượng trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu, nhà trường xét thêm tiêu chí phụ là điểm môn Ngữ văn. Năm 2017, em trượt chỉ vì thiếu 0,45 điểm. Thí sinh Cà Văn Thăng (19 tuổi, dân tộc Thái) cũng mất cơ hội vào HV Cảnh sát Nhân dân vì đạt đạt 23,65 điểm, thiếu 0,5 điểm.
Tương tự, Nguyễn Phú (20 tuổi, Đắk Lắk) trượt Đại học Cảnh sát Nhân dân năm 2018 vì thiếu 0,1 điểm khối C03. Phú được 23,8 điểm, trong khi điểm chuẩn là 23,9. Hàng loạt trường hợp được nâng điểm trắng trợn để vào trường công an, quân đội khiến những thí sinh này mất niềm tin vào kỳ thi.
“Thí sinh không những nâng từ 0 thành 9 điểm một môn, mà còn chủ yếu là con ông cháu cha, khiến em thực sự thất vọng. Nếu họ không chen ngang bất công như thế, em và nhiều bạn khác đã trúng tuyển trường quân đội”, Lê Hoàng, thí sinh thiếu 0,25 điểm vào Học viện Biên phòng -nói với Zing.vn.