Đại biểu tranh thủ mang lộc ra ngoài đêm khai ấn đền Trần
Thứ sáu, 2/3/2018 01:44 (GMT+7)
01:44 2/3/2018
Trước khi đền mở cửa cho người dân, du khách vào, nhiều đại biểu đeo thẻ tham dự lễ khai ấn ung dung vào trong lấy lộc mang ra ngoài một cách thoải mái, rạng sáng 2/3.
Năm nay, sau lễ khai ấn đền Trần ban tổ chức cho vận chuyển hết hoa tại các ban thờ ra ngoài để tránh tình trạng người dân cướp lộc.
Tranh thủ điều này, nhiều đại biểu có thẻ vàng, đỏ đeo trên cổ cầm trên tay rất nhiều hoa và lộc mang ra ngoài.
Họ được cầm về thoải mái đi ra cửa.
Lúc này, người dân chưa được mở rào cho vào đền lễ.
Một người thấy ống kính máy ảnh đã dùng hoa che mặt.
Trước đó, từ 21h tối 2/3, lực lượng chức năng sớm phong tỏa các con đường vào đền Thiên Trường thuộc đền Trần (Nam Định). Chỉ những người nằm trong thành phần khách mời, có thẻ đeo trên cổ mới được vào bên trong tham dự.
Sau khi các thủ tục kết thúc, đoàn rước thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Định) bắt đầu nghi thức của buổi lễ. Năm nay, tình trạng người tham dự lễ khai ấn vứt tiền lẻ vào kiệu khi đoàn đi qua vẫn tái diễn nhưng không nhiều.
Sau khi lễ khai ấn kết thúc, hàng nghìn người đổ vào đền Thiên Trường. Mặc dù vậy, theo ban tổ chức, số lượng người tham dự năm 2018 ít hơn năm trước.
Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy đã được hạn chế khá nhiều so với mọi năm. Điểm đặc biệt lần này, ban tổ chức bố trí người tham dự đi vào bằng hai con đường tại đền Cố Trạch, Trùng Hoa mà không đi thẳng vào đền Thiên Trường như những năm trước nên giảm tải được phần nào dòng người hỗn loạn.
Như năm 2017, hậu cung đền Thiên Trường không mở cho người dân vào nhưng vẫn xảy ra tình trạng hỗn loạn, chen lấn tại những gian thờ bên ngoài.
Lực lượng an ninh quá mỏng (bên trong chủ yếu là người nhà đền bảo vệ các ban thờ) còn dòng người quá đông nên đã tái diễn nhiều hình ảnh không đẹp. Nhiều người vẫn cố chạm vào đồ vật để lấy may đặc biệt là thanh kiếm tại đền Thiên Trường.
Họ xoa tiền vào bất cứ thứ gì trên ban thờ để cầu sức khỏe, tài lộc, công danh...
Không ít khách chen chúc thi nhau sờ, xoa tiền, lá sớ vào bảo kiếm.
Các lối đi trở nên nhỏ hẹp, người bên trong chưa kịp ra thì dòng người bên ngoài đã ùa vào.
Một người đàn ông vái vọng vào hậu cung.
Không có tiền lẻ thì nhét tiền mệnh giá không nhỏ qua khe cửa vào bên trong.
Có thanh niên cướp được lộc là những bông hoa trên ban thờ. Ở đền Trần xưa nay nhiều người có quan niệm trong năm sẽ rất may mắn nếu lấy được các đồ vật ở đây mang về.
Phía bên ngoài sân Thiên Trường, nhiều thanh niên cố chạm vào kiệu Ngọc Lộ nhưng bất thành do lực lượng bảo vệ dày đặc.
Khai ấn đền Trần xuân Mậu Tuất là năm thứ 6 Nam Định thực hiện theo đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Trần (gồm lễ khai ấn đầu xuân và lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo). Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội, qua 5 năm (2012-2016) triển khai, công tác quản lý và tổ chức lễ khai ấn đầu xuân vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục như việc cướp lộc gây phản cảm. Du khách thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, nạn hành khất, đổi tiền lẻ đã được khắc phục.
Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi xin lộc ấn, ban tổ chức lễ hội sẽ bắt đầu phát ấn cho người dân từ 5h ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3), sớm hơn 30 phút so với năm 2016. Địa điểm phát ấn tại nhà giải vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và lễ hồi kiệu Ngọc Lộ từ đền Trần về chùa Phổ Minh (Chùa Tháp).
Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng (tức từ ngày 27/2 đến ngày 2/3) bên ngoài cổng ngũ môn đền Trần sẽ diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân - sư - rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, võ thuật...
Năm nay, ấn sẽ được phát tại 3 địa điểm nhà Giải Vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa. Những khu vực này đã được chuẩn bị kỹ, tránh "vỡ trận" vào rạng sáng mai như một số năm.
Chiều 1/3, rất đông du khách thập phương đổ về đền Trần (Nam Định) dự hội, trong đền không còn chỗ trống nên nhiều người phải trải chiếu, lót giấy ngồi lễ ngoài sân.