Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đại ca học đường’: Khi trẻ em phản kháng

Bộ phim “Middle School: The Worst Years of My Life” với nhân vật chính Rafe mang đến cái nhìn hài hước nhưng cũng đầy sâu sắc về thế giới của những đứa trẻ cấp II.

Trailer bộ phim 'Đại ca học đường' "Middle School: The Worst Years of My Life" là bộ phim hài được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết ăn khách cùng tên.

Rafe (Griffin Gluck) đang trải qua một năm vô cùng khó khăn trong cuộc đời. Nếu là đứa trẻ khác, có lẽ chúng đã buông xuôi để trở thành một con robot rập khuôn theo mệnh lệnh của người lớn.

Nhưng Rafe thì không. Trong đầu cậu bé lúc nào cũng tràn ngập ý tưởng. Rafe có một cuốn sổ để “tống khứ” toàn bộ đám ý tưởng đó lên những trang giấy, và cậu thực sự vẽ ra một thế giới sống động với hàng loạt người bạn tưởng tượng.

Mọi chuyện trở nên rắc rối hơn khi Rafe chuyển tới ngôi trường mới và gặp ông hiệu trưởng khó ưa Dwight (Andy Daly). Lão không chấp nhận bất cứ sự sáng tạo nào trong ngôi trường của mình, luôn gò ép lũ trẻ phải tuân theo bộ luật khắt khe, giáo điều.

review phim Dai ca hoc duong anh 1
Bộ phim Middle School: The Worst Years of My Life được thực hiện dựa trên loạt truyện ăn khách cùng tên. Ảnh: Lionsgate.

Dĩ nhiên, Rafe không thể nào chấp nhận điều đó. Cậu bé ngầm phản kháng lại những quy định ngặt nghèo của thầy hiệu trưởng và kéo theo biết bao tình huống éo le.

Là một phim hài gia đình được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, Middle School: The Worst Years of My Life (tựa Việt: Đại ca học đường) từng được kỳ vọng sẽ khắc họa nên cuộc sống trên ghế nhà trường đầy thú vị như những The Perks of Being a Wallflower hay Rushmore từng làm được.

Tuy nhiên, Middle School không thể khoác vừa tấm áo quá rộng đó. Bản thân tác phẩm chỉ là một phim học đường, đủ vui, đủ dễ thương, và đôi lúc chùng xuống với những giọt nước mắt. Dẫu không mang nhiều nét đột phá, Middle School vẫn có thể lèo lái người xem qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.

Dàn diễn viên nhí là điểm sáng của bộ phim. Đa phần các em không có kinh nghiệm, với lối diễn vẫn còn thiên về cảm tính. Nhưng chính sự ngây thơ của chúng vô tình lại rất hợp với những điều mà bộ phim muốn truyền tải.

review phim Dai ca hoc duong anh 2
Theo dõi bộ phim, người xem có thể hiểu hơn tâm sinh lý của các cậu bé, cô bé ở độ tuổi cấp II, lúc thì như "ông cụ non", khi vẫn còn hồn nhiên quá đỗi. Ảnh: Lionsgate.

Ở độ tuổi học sinh cấp II, các em đang ở giữa lằn ranh trẻ con - người lớn. Dễ dàng thấy được lối cư xử có lúc già dặn kiểu "ông cụ non", có khi lại bốc đồng hồn nhiên qua diễn xuất của các cô bé, cậu bé trong phim.

Nhân vật chính Rafe có thể quậy tưng cả trường, bày ra đủ trò nhí nhố, nhưng lại lúng túng như "gà mắc tóc" trước cô gái mình thích. Hay ở một lần khác, cậu bé chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” bằng cách nhận mọi tội lỗi về mình, dù phải chịu hậu quả nặng nề.

Cô bé Jeanne dõng dạc khi tranh cử, phản biện, thế mà lại có lúc lại "quẩy" giữa hành lang trong cơn mưa màu sơn sặc sỡ. Georgia - em gái Rafe - luôn thông minh và "quái chiêu", thích được cầm lái ôtô dù mới 8 tuổi đầu. Cô bé thường xuyên cãi lộn với anh trai, nhưng rồi lại khóc sướt mướt vì lo lắng cho cậu anh bị gửi vào trường quân đội.

Tất cả những cung bậc cảm xúc rất lộn xộn và khó hiểu ấy vốn chính là một phần tâm lý của đám trẻ đang ở tuổi dậy thì.

Ở phía đối trọng, thế giới người lớn trong phim cũng đa dạng không kém. Nếu hiệu trưởng Dwight luôn xấu tính và khắt khe với lũ trẻ, thì thầy giáo trẻ Teller (Adam Pally) lại khuyến khích chúng biểu lộ bản thân, mang đến những tiết học tràn đầy tiếng cười và sự sáng tạo.

Nếu Carl (Rob Riggle) - bạn trai của mẹ Rafe - luôn dọa dẫm, căm ghét đám trẻ, thì bà mẹ Jules (Lauren Graham) lại rất yêu thương, bao bọc những đứa con của mình.

review phim Dai ca hoc duong anh 3
Trong phim, trẻ con và người lớn luôn va chạm, tạo ra hàng loạt tình huống khó lường. Ảnh: Lionsgate.

Khi thế giới của người lớn và trẻ em va chạm, nhiều tình huống khó lường sẽ xảy ra. Ví như Rafe, cậu bé vừa trải qua cú sốc mất mát không gì sánh nổi và phải làm bạn với những nhân vật tưởng tượng. Trong lúc cậu cần sự giúp đỡ nhất, thì người mẹ lại bận bịu, còn ông “bố dượng tương lai” nhăm nhe trút bỏ gánh nặng bằng cách đưa cậu vào trường quân đội.

Nếu Rafe không đủ mạnh mẽ, có lẽ cậu cũng sẽ giống như bao học sinh khác, trở thành con robot vô hồn, không còn bất cứ niềm đam mê hay mong muốn phá cách nào nữa. 

Middle School có những tình tiết hài hước vô cùng đáng yêu đúng chất "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Khán giả sẽ rất hào hứng khi theo dõi những đoạn hoạt họa ngắn, mô tả "cuộc phiêu lưu tưởng tượng" diễn ra trong tâm trí Rafe.

Nhưng lắng đọng hơn cả chính là những khoảnh khắc mà Rafe ở bên Leo, cậu em trai và cũng là người bạn thân thiết nhất của Rafe, vốn đã mất vì bệnh ung thư. Rafe cô độc và thương tiếc em tới nỗi cậu luôn nghĩ rằng Leo vẫn còn đâu đây.

Mặc dù Middle School là phim hài, chính tình tiết đó đã mang lại giá trị nhân văn cho tác phẩm, biến câu chuyện về cậu bé học sinh “phản kháng” thầy giáo thành bài học có chiều sâu về tình cảm gia đình, anh em, bạn bè.

Middle School: The Worst Years of My Life (tựa Việt: Đại ca học đường) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Zing.vn đánh giá: 3,5/5

Đông Bắc

Bạn có thể quan tâm