Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đại ca' phòng 307

“Sống là phải biết cho đi, huống gì quãng đời còn lại của tôi không dài, phải tranh thủ làm những điều để thấy mình vẫn có ích”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Kim Đào.

Đầu bếp đặc biệt

Ba mẹ mất sớm, lại chọn cuộc sống độc thân, chị Nguyễn Thị Kim Đào (tạm trú tại P.Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) phải mưu sinh từ nhỏ. Nhờ tích cóp, cuối cùng chị cũng mua được căn nhà nhỏ, và xin đứa con nuôi để hủ hỉ cho đỡ quạnh hiu. Chị tự tin đời mình từ đây sẽ êm đềm, nhưng rồi chị phát hiện mình bị ung thư vú và suy sụp tinh thần. Chị nghĩ ngay đến việc bán nhà - tài sản duy nhất chị có thể bấu víu trên hành trình giành giật sự sống.

Từ tiền bán nhà, chị dành một ít cho con gái nuôi, số còn lại chị trang trải cho việc chữa bệnh và làm phương tiện đi đi về về giữa Đà Nẵng và Bệnh viện (BV) Trung ương Huế. Chị kể, những đợt hóa trị, da mặt chị sạm đi, tóc rụng không còn một cọng, cơ thể mỏi mệt, chẳng màng chuyện ăn uống… Sự bi quan chán chường cứ bám lấy chị. Thấy xung quanh có quá nhiều bệnh nhân còn trẻ, sự nghiệp đang lên, hạnh phúc đề huề, mà cũng chung số phận như mình, chị đồng cảm và phải bình tâm, bởi những toa thuốc phải đi đôi với một tinh thần lạc quan mới có thể chiến thắng bệnh tật.

Chị Đào động viên, thăm hỏi một cụ bà.

Chị Đào động viên, thăm hỏi một cụ bà.

Ngày nhập viện, chị nằm ở phòng 307, Khoa Ung bướu. Phòng toàn bệnh nhân nữ, chủ yếu điều trị ung thư tử cung và ung thư vú, phần nhiều là người có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà, bệnh lâu năm, neo người chăm sóc. Chị nghĩ ngay đến chuyện phải làm gì đó để chia sẻ với họ. Tiền bạc thì chị không có, nhưng chị có sức khỏe tốt hơn nhiều người. Và dù không còn nhà riêng, chị cũng có chỗ ở nhờ. Chị Đào đề nghị được nấu ăn cho cả phòng, vì các chị đã ngán cơm hộp, muốn có những bữa ăn vệ sinh, sum vầy, mang hơi ấm gia đình. Ban ngày, chị Đào điều trị ở BV; xế chiều, chị xin về đi chợ, chuẩn bị thức ăn cho ngày mai. Chị kể, có những hôm ra chợ, chị thấy trong người không khỏe, tưởng chừng bước không nổi, nói gì chuyện bếp núc, nhưng chị vẫn cố.

Hỏi về quãng đời trước khi phát bệnh, về hạnh phúc riêng tư, chị Đào nghẹn ngào: “Cơ cực lắm em ơi. Cuộc đời tươi đẹp của tôi chỉ là quãng thời gian làm thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Ngày trở về, tôi tập tành buôn bán để kiếm sống, rồi phát hiện bệnh nan y. Bây giờ, tôi phải phấn đấu chiến thắng bệnh tật, để còn góp chút sức giúp những người kém may mắn”. Không chỉ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, chị Đào còn vướng nhiều bệnh khác đang cần được điều trị.

Bữa cơm đạm bạc của các bệnh nhân nữ phòng 307.

Bữa cơm đạm bạc của các bệnh nhân nữ phòng 307.

Cùng tựa vào nhau

Bữa cơm của các chị ở phòng 307 khá đơn giản, khi nào cũng là vài đĩa rau luộc, hai đĩa cá mặn, tô canh lớn, nhưng mọi người hào hứng hơn hẳn ăn cơm ngoài. Những đợt xạ trị, hóa trị khiến nhiều chị lở miệng, khô miệng, mỏi mệt, không nuốt nổi, chị Đào phải năn nỉ từng người. Ai ngồi ăn chung được, thì mời xuống chiếu. Ai không rời khỏi giường nổi, chị mang đến tận nơi, ép ăn bằng được. Chị Đào rất khéo dỗ người bệnh, nhờ thế, bệnh nhân cố ăn, có thêm sức khỏe chống chọi với bệnh tật.

Cảm kích trước tấm chân tình, cả sự nhanh nhẹn, tháo vát của chị Đào, các nhân viên y tế trong khoa gọi đùa chị là “trưởng phòng” 307 và tạo điều kiện để chị ra vào đỡ đần bệnh nhân nghèo. Bệnh nhân thì trìu mến gọi chị là… đại ca. Mọi giấy tờ cần photo hay chuyện đóng viện phí, những gì ai nhờ, chị đều vui vẻ giúp. Mọi ngóc ngách trong BV, chị đều thông thuộc. Kinh nghiệm bệnh tật, chị nói vanh vách. Hoàn cảnh mỗi bệnh nhân, chị cũng nắm. Cái sự “nhiều chuyện” là để chị hiểu hơn về gia cảnh mỗi người, để có sự động viên, nhắn nhủ.

Có người đến thăm bệnh, nghe về chuyện của các chị, họ biếu ít tiền để bữa ăn hôm sau phong phú hơn. Có người cho chai dầu, chai nước mắm... Chị dìu bệnh nhân tập đi sau mổ. Chị nhận những bữa cơm từ thiện, phân phát lại cho bệnh nhân. Chị xoa bóp, bón cơm, dỗ dành người bệnh nặng... Lẽ ra, khi hết một đợt điều trị, chị Đào sẽ về nhà, nhưng chị “đóng đô” mấy năm liền ở đây để nấu cơm giúp, đỡ đần, động viên, chia sẻ với người đồng cảnh…

Khi có bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật, chị động viên, nắm tay trên đoạn đường tới phòng mổ. Chị đón họ trở về sau phẫu thuật trong sự ân cần, yêu thương. Có bà cụ nhiều con, nhưng không ai đến săn sóc, chị giúp cụ làm vệ sinh, xem cụ như mẹ. Chị nói, trời sinh ra phụ nữ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, nên phải biết yêu thương nhau. Huống gì, cuộc sống của những người ở đây đang được tính từng ngày. Người khác tựa vào chị những lúc khó khăn, chị cũng tựa vào họ để tìm hơi ấm gia đình, tìm cảm xúc giữa người với người, để thấy cuộc đời này còn tươi đẹp.

Chị em phòng 307 phần nhiều đều qua những đợt hóa trị. Nhiều chị còn trẻ, nhan sắc mặn mà, nhưng trên đầu không còn một cọng tóc, cặp vú đã bị cắt bỏ. Họ cảm thấy sốc vì mình xấu đi. Những cái nón thật đẹp, những mớ tóc giả được chị Đào gợi ý bệnh nhân sử dụng... đã giúp xoa dịu nỗi đau “nhan sắc”. Chị Đào xót xa: “Mỗi khi quét dọn phòng, rác của phòng 307 chỉ toàn là tóc!”.

Chị em ra viện đã lâu vẫn thường xuyên liên lạc với chị Đào. Thỉnh thoảng, chị đưa họ về ngôi nhà chị đang ở, làm bữa cơm nho nhỏ, để ôn lại kỷ niệm ngày nào, nhắc nhớ những người đã mất, thăm hỏi những ai vẫn còn khỏe mạnh, lo lắng cho người sắp bị “thần chết” gọi đi… Họ xem nhau tựa ruột thịt gia đình, bớt tủi phận, là nhờ có chị Đào.

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/-dai-ca-phong-307/a131340.html

Theo Phi Khanh/ Phụ nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm