Trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập HBO Asia tại Singapore vào ngày 30/11, phóng viên Zing.vn có cuộc trò chuyện với bà Jessica Kam - Phó chủ tịch phụ trách sản xuất HBO Asia.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành phim ảnh và là nhà điều hành phim truyền hình cấp cao ở khu vực châu Á, Jessica Kam đã có những trao đổi thẳng thắn, góp ý và chia sẻ quan điểm về những thiếu hụt của ngành truyền hình Việt Nam.
Bà cho rằng HBO Asia cần nhiều thời gian tìm hiểu hơn về Việt Nam trước khi quyết định đầu tư cho thị trường này. Ngoài ra, bà cũng chưa tự tin lắm về mặt chất lượng của truyền hình Việt Nam bởi nhiều yếu tố khác nhau từ nội dung, thời gian sản xuất đến những khác biệt về phong cách làm phim giữa nội địa và chuẩn quốc tế.
“Khoảng cách giữa truyền hình Việt Nam và quốc tế còn khá xa”
- Dự án mới "Folklore" là tuyển tập phim mới được HBO Asia sản xuất và hợp tác với nhiều đạo diễn trong khu vực châu Á. Vì sao các đạo diễn, ê-kíp đến từ Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản,…được chọn tham gia dự án này?
- Đây là một dự án đầy tham vọng của HBO Asia. Chúng tôi chưa từng làm điều này bao giờ khi phải cùng lúc điều phối giữa 6 nhóm làm phim khác nhau, đối mặt với những vấn đề như ngôn ngữ, cách làm việc.
Bà Jessica Kam (phải) chia sẻ về những dự án truyền hình tại châu Á được HBO đầu tư sản xuất. |
Chúng tôi sẽ ưu tiên hợp tác với một đạo diễn dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng đưa cơ hội cho các đạo diễn trẻ, bởi người trẻ thường nhiệt huyết và mạo hiểm hơn. Ví dụ như Ho Yu. Teenage Psychic là series phim đầu tay của anh và đã giành rất nhiều giải thưởng.
Chúng tôi luôn phải đảm bảo rằng đơn vị sản xuất có thực lực để có thể quản lý dự án một cách hiệu quả, nhất là đối với những tác phẩm hạn hẹp về mặt kinh phí. Chính vì thế, khi chúng tôi thử nghiệm với những đạo diễn mới, chúng tôi muốn rằng họ được làm việc với những đơn vị sản xuất có kinh nghiệm.
Hoặc như Mike Wiluan (phim Grisse - PV), anh ấy là một đạo diễn mới, nhưng công ty sản xuất của anh đã có kinh nghiệm 20 năm trên thị trường. Sự sáng tạo của Mike là điều mà chúng tôi muốn thấy, đồng thời chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm khi anh có đội ngũ sản xuất hùng hậu phía sau.
- Vậy tại sao chưa cơ hội nào dành cho các đạo diễn, biên kịch người Việt Nam?
- Riêng đối với thị trường khá mới như Việt Nam, chúng tôi chưa có đủ tự tin và sự hiểu biết thấu đáo để hợp tác sản xuất. Tôi cũng rất mong có cơ hội tìm hiểu thêm để tìm kiếm cơ hội hợp tác, cũng như sản xuất những nội dung đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Nếu dự án Folklore thành công, sẽ không có gì có thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục sản xuất phần 2. Tất nhiên, chúng tôi hoàn toàn có thể đem ý tưởng này đến một quốc gia mới như Việt Nam, Philippines hay Hong Kong.
Chắc chắn đất nước với nền văn hóa đa dạng như Việt Nam sẽ có những câu chuyện thú vị.
Đại diện HBO cùng các đạo diễn, diễn viên, biên kịch đến từ các nước châu Á được chọn làm phim. |
- Bà có nghĩ rằng đạo diễn và các ê-kíp Việt Nam có khả năng sản xuất phim cho quốc tế?
- Tôi không thể nói chắc chắn cho tới khi tôi làm việc với các đạo diễn Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhận thấy là hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều đạo diễn được đào tạo ở phương Tây đang quay về nước lập nghiệp.
Tôi nghĩ đây là một tín hiệu đáng mừng. Vì những đạo diễn này vừa được đào tạo theo tiêu chuẩn của phương Tây, nắm bắt những quy luật làm phim quốc tế vừa thấu hiểu ngôn ngữ và văn hóa địa phương.
- Vậy theo bà, phim truyền hình Việt Nam đến nay vẫn chưa thể vươn đến chuẩn khu vực và quốc tế?
- Tôi nghĩ rằng không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, kể cả Trung Quốc vẫn còn có khoảng cách khá xa với mặt bằng chung của truyền hình quốc tế. Các bạn cũng cần nhiều tài năng hơn nữa để rút ngắn khoảng cách đó.
Tôi cho rằng truyền hình Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển hơn vì thị trường hơn 90 triệu dân là rất lớn. Tôi cũng đang xem xét việc sản xuất phần tiếp theo của series phim Half Worlds hay Folklore tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn chất lượng mà chúng tôi yêu cầu rất cao. Đội ngũ sản xuất và đạo diễn ở Việt Nam ngoài việc có khả năng quản lý và thực hiện một dự án phim truyền hình còn phải thích nghi với cách thức làm việc của một mạng lưới sản xuất quốc tế với những tiêu chuẩn riêng cần được tuân thủ.
'Diễn xuất của phim truyền hình Việt Nam bị xem nhẹ'
- Để nói một trong khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và quốc tế, bà nghĩ điều gì thật sự nổi trội để nên đem ra phân tích?
- Vừa qua tôi cũng có qua Việt Nam để tới thăm một vài đơn vị sản xuất truyền hình trong nước. Tôi hết sức ngạc nhiên vì tốc độ phát triển chóng mặt của ngành sản xuất truyền hình tại Việt Nam. Các bạn có thể sản xuất một series phim truyền hình trong thời gian rất ngắn, trong khi đối với chúng tôi, điều này sẽ tốn tới cả vài năm.
Bà Jessica Kam cho rằng một số nước châu Á trong đó có Việt Nam vẩn còn khoảng cách khá xa với quốc tế. |
- Nhưng nếu với tốc độ sản xuất công phu và dài hạn như vậy, làm sao HBO có thể lấp đầy thời lượng phát sóng trên truyền hình?
- Đối với tôi, đây là hai vấn đề khác nhau. Trong khi các bạn cần nhiều nội dung khác nhau để lấp đầy thời lượng chiếu sóng, thì tại HBO Asia, chúng tôi có lợi thế là chỉ cần tập trung vào một vài sản phẩm nhất định chứ không phải dàn trải ở mọi khung giờ.
Điều này cho phép chúng tôi tập trung đầu tư kỹ lưỡng cho một sản phẩm truyền hình. Đồng thời, tôi nghĩ đây cũng là điểm khiến chúng tôi khác biệt so với những nhà sản xuất khác.
- Vậy thông thường, một dự án truyền hình của HBO Asia sẽ mất bao lâu để sản xuất?
- Ví dụ như series phim truyền hình Teenage Psychic (Đài Loan), gồm 6 tập với thời lượng 6 tiếng. Phần tiếp theo có thể sẽ ra mắt năm 2019, mặc dù chúng tôi đã công bố trong sự kiện kỷ niệm 25 năm HBO Asia, nhưng vẫn còn tới gần 2 năm trước khi phần hai được ra mắt.
Đã có người nói với chúng tôi là nếu đây là một phim truyền hình trong nước, họ đã sản xuất cả trăm tập rồi nếu phim thành công. Thay vì cả trăm tập phim, chúng tôi dành 2 năm để hoàn thiện một cách chỉn chu 6 tập.
- Vậy bà nghĩ nếu HBO đầu tư cho Việt Nam thì đâu là khó khăn lớn nhất để sản xuất nên bộ phim truyền hình chất lượng?
- Tôi chưa có kinh nghiệm làm việc với các đơn vị sản xuất trong nước để hiểu thấu đáo điều này. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các bạn luôn bị đặt trong áp lực phải sản xuất nhanh.
Việc chạy đua thời gian đôi khi khiến diễn xuất của diễn viên hoặc việc xây dựng bối cảnh, hậu kỳ,…bị xem nhẹ. Điều này sẽ không thể xảy ra với các dự án tầm khu vực và quốc tế như ở HBO châu Á.
Ngược lại, chúng tôi dành thời gian để hoàn thành chỉn chu một tác phẩm có thể chỉ vài tập thay vì cố kéo dài chúng ra thành bộ phim nhiều tập. Vì thế, nếu chúng tôi hợp tác với những đơn vị trong nước, chúng tôi cần phải đảm bảo rằng những tiêu chuẩn chất lượng của mình được thực hiện bởi các ê-kíp địa phương.
"Phim ảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng khi một số đạo diễn được đào tạo ở phương Tây đang quay về nước lập nghiệp", bà Jessica Kam chia sẻ. |
- Ngoài những điều trên, điều khiến bà không tự tin đầu tư sản xuất phim truyền hình Việt Nam là gì?
- Tôi có một số trăn trở về sự thiếu hụt chuyên môn, cơ sở hạ tầng cũng như các yếu tố hỗ trợ khác để thực hiện một sản phẩm chất lượng. Ngay cả những chuyện tưởng chừng ít quan trọng như những việc liên quan đến tài chính và pháp lý cũng có ít người có khả năng làm việc theo hệ thống và quy tắc mà phương Tây yêu cầu.
Điều này có thể là hạn chế gây nên nhiều khó khăn cho Việt Nam cũng như một số nước khác trong những dự án thu hút vốn hay hợp tác sản xuất với nước ngoài.
Nhưng tôi tin rằng chất lượng sản xuất của Việt Nam sẽ có những bước tiến rất nhanh nếu ngày càng có nhiều các dự án quốc tế quan tâm tới quốc gia của các bạn và các tài năng bản địa được biết đến.
Ngoài ra, theo quan sát của tôi, ngay cả thị trường nội địa Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn. Chính điều này sẽ thúc đẩy các nhà làm phim và các đơn vị sản xuất phải tự củng cố và nâng tầm chất lượng cho những tác phẩm của mình nếu không muốn bị đào thải.