Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại diện VKS đưa ra đề nghị bất ngờ trong vụ FLC

Trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ FLC, đại diện viện kiểm sát (VKS) quyết định thay đổi mức án đề nghị đối với nguyên Chủ tịch HĐQT HoSE Trần Đắc Sinh và một người khác.

Sáng 29/7, phiên tòa xét xử vụ FLC tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.

Quan điểm của đại diện VKS cho rằng nếu thiếu đi hành vi liên quan đến quá trình hình thành cổ phiếu ROS của bất kỳ bị cáo nào trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết không thể niêm yết, bán hơn 391 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư và không thể thu được hơn 4.818 tỷ đồng, cũng không thể chiếm đoạt được hơn 3.621 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đại diện VKS khẳng định tại thời điểm tất cả các bị cáo nhiều lần ký góp vốn khống, nhận tiền ủy thác đầu tư trong khi mình không có vốn góp, không có hoạt động đầu tư, buộc phải biết là ký những chứng từ gian dối là trái pháp luật, là tạo điều kiện giúp bị cáo Quyết.

Tap doan FLC,  FLC,  Cong ty FLC,  Trinh Van Quyet anh 1

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh: CTV.

Các bị cáo đã ký các hồ sơ, thủ tục cho chủ trương tăng vốn, cáo bạch, báo cáo tài chính, ủy nhiệm chi chuyển tiền cho 7 tổ chức và 7 cá nhân vay vốn của Faros không dựa trên cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của công ty; không thực hiện theo luật doanh nghiệp, điều lệ công ty và pháp luật có liên quan, mà thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Trịnh Văn Quyết, Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế.

Quan điểm đối đáp của đại diện VKS cho rằng kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa xác định: Trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS giá trị 4.300 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán, Faros chỉ có hơn 1.197 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống.

Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng; hoàn toàn có căn cứ xác định đây là bị hại của vụ án. Đến nay, có 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.

Đối với 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, qua rà soát có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đề cập. Đến nay, có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng.

Việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra truy tố của cơ quan tố tụng, bởi lẽ 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của bị cáo Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.

Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết đề nghị khấu trừ 47 tỷ đồng đang tạm giữ trong tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết vào số tiền thu lời bất chính là không có cơ sở chấp nhận.

Cũng trong phần đối đáp, đại diện VKS quyết định thay đổi đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thanh Bình (nguyên thành viên HĐQT, kiêm Phó TGĐ Tập đoàn FLC) và Trần Đắc Sinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM).

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 2 bị cáo trên mức án 7-8 năm tù. Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên mức án 8-9 năm tù đối với 2 bị cáo trên.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://vietnamnet.vn/xet-xu-vu-flc-dai-dien-vks-dua-ra-de-nghi-bat-ngo-2306541.html

T.Nhung/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm