Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại diện VKS: Không có căn cứ cho rằng Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chết

Trong phần đối đáp, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa khẳng định đủ căn cứ kết tội bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và không có căn cứ cho rằng bị cáo này không còn tồn tại hay đã chết.

Ngày 12/7, phiên xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC), Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM), Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Trong phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng, dù bị cáo Nhàn đang bị truy nã và xét xử vắng mặt, nhưng căn cứ lời khai của một số bị cáo, cũng như phù hợp với chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, nên đủ căn cứ xác định bị cáo phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nhàn 22-24 năm tù.

Dù đang bỏ trốn, bị cáo Nhàn có tới 5 luật sư bào chữa, trong đó 2 luật sư chỉ định và 3 luật sư do gia đình bị cáo này mời.

Nguyen Thi Thanh Nhan,  AIC,  Cong ty AIC anh 1

Các bị cáo tại tòa.

Bào chữa cho bị cáo Nhàn, các luật sư cho rằng không thể xác định bị cáo đang bỏ trốn. Theo luật sư, bị cáo Nhàn xuất cảnh ngày 19/6/2021 mà không bị áp dụng bất kỳ hạn chế nào như tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vì vậy, luật sư cho rằng không có căn cứ để khẳng định bị cáo Nhàn biết được việc mình bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Theo luật sư, cần thiết nhận định tình trạng của bị cáo Nhàn là không biết rõ đang ở đâu chứ không phải bỏ trốn.

“Trường hợp không xác định được bị can đang ở đâu thì buộc phải tạm đình chỉ vụ án đối với bị can mà không thể ra kết luận điều tra, hoặc truy tố ra trước tòa án”, luật sư nêu quan điểm.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện VKS cho rằng, căn cứ vào Khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ khi không rõ bị can ở đâu; căn cứ vào Khoản 1 Điều 247, VKS ra quyết định tạm đình chỉ khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can ở đâu; căn cứ Khoản 1 Điều 281, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi không rõ bị can, bị cáo đang ở đâu; Khoản 1 Điều 231 quy định về việc truy nã bị can khi bị can bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can ở đâu, thì CQĐT phải ra quyết định truy nã bị can.

“Trong vụ án này, bị cáo Nhàn đang bị truy nã, không có ở nơi cư trú, không thực hiện như triệu tập để nhận các quyết định tố tụng dù đã thông báo và đăng tin công khai trên phương tiện đại chúng. Vì vậy, việc bị cáo đã xuất cảnh trước đó hay chưa có thông tin xuất cảnh đều thuộc trường hợp bị truy nã”, đại diện VKS đối đáp.

Theo VKS, quan điểm cho rằng bị cáo Nhàn và các bị cáo đang bỏ trốn không còn tồn tại hay đã chết là không có căn cứ. Trường hợp nếu đủ căn cứ, cơ quan tố tụng sẽ không điều tra, truy tố, xét xử mà sẽ có các thủ tục khác theo đúng quy định pháp luật.

Để đảm bảo trách nhiệm dân sự của các bị cáo bỏ trốn, nếu tạm đình chỉ sẽ gây khó khăn, vì các bị cáo tạm đình chỉ không phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự.

Sách về pháp luật

Giải quyết tranh chấp di chúc - thừa kế, hôn nhân & gia đình và Giải quyết tranh chấp quyền và nghĩa vụ về tài sản là 2 cuốn sách phổ biến kiến thức pháp luật dân sự thông qua tình huống cụ thể.

https://vietnamnet.vn/dai-dien-vks-khong-co-can-cu-cho-rang-bi-cao-nguyen-thi-thanh-nhan-da-chet-2301157.html

Thanh Phương/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm