Trong ngày thị trường giảm sâu gần 44 điểm, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, trong đó có cổ phiếu của không ít doanh nghiệp đại gia. Đà giảm mạnh của cổ phiếu khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của các ông bà chủ doanh nghiệp cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng "mất" hơn 6.500 tỷ
Đáng kể nhất phải kể tới cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Trong suốt phiên giao dịch, VIC là cổ phiếu bị bán tháo mạnh nhất, trong khi tổng khối lượng bán ròng của khối ngoại trên HoSE đạt hơn 4,1 triệu thì chỉ riêng VIC đã bị bán ròng hơn 2,2 triệu cổ phiếu. Đóng cửa phiên, VIC giảm sàn 7% về mức 120.900 đồng/cổ phiếu, tụt 9.000 đồng/cổ phiếu.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng (ở giữa) là vị đại gia mất nhiều tiền nhất trong phiên giao dịch 19/4 vì đà giảm giá của VIC. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cổ phiếu giảm sàn không chỉ khiến Vingroup mất gần 24.000 tỷ đồng vốn hóa mà còn khiến tài sản ông chủ doanh nghiệp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trên sàn chứng khoán giảm hơn 6.515 tỷ đồng. Cụ thể, với hơn 723,9 triệu cổ phiếu VIC (27,45% vốn) nắm giữ, cổ phiếu này giảm sàn cũng khiến tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng giảm hơn 6%, xuống còn 87.528 tỷ đồng, xấp xỉ 3,86 tỷ USD.
Trước đó, đà tăng của VIC đã giúp khối tài sản của vị tỷ phú này tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa đầy một năm từ mức 40.000 tỷ đồng vào giữa năm ngoái.
Vị đại gia mất nhiều tiền thứ 2 sàn chứng khoán hôm nay là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), với đà giảm 6,05% tài sản, tương đương 2.250 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến tài sản của bà Thảo giảm mạnh chủ yếu đến từ việc cổ phiếu VJC (nơi bà Thảo nắm giữ hơn 37,33% vốn) đã giảm 12.800 đồng/cổ phiếu, hiện được giao dịch dưới 200.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện bà Thảo nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị lên tới 34.965 tỷ đồng, tương đương 1,54 tỷ USD. Bà đồng thời là tỷ phú USD giàu thứ 2 Việt Nam chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng.
Trong khi đó, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros tiếp tục nối dài chuỗi ngày trượt giá xuống mức 87.600 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa so với một tháng trước.
Điều này khiến, đại gia Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất tại đây, đánh mất vị trí người giàu thứ 2 sàn chứng khoán của mình. Hiện vị đại gia này sở hữu khối lượng cổ phiếu trị giá 29.542 tỷ đồng, giảm 1.995 tỷ đồng ngày hôm qua.
Ngoài ra, hàng loạt đại gia khác như ông Trần Đình Long; bà Phạm Thu Hương hay ông Nguyễn Văn Đạt... cũng mất hàng trăm tỷ đồng vì giá cổ phiếu sụt giảm hôm nay.
Các công ty chứng khoán nói gì?
Trước đó, nhận định về diễn biến thị trường ngày 19/4, nhiều công ty chứng khoán cho rằng xu hướng VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục giảm và cách tốt nhất cho nhà đầu tư lúc này là đứng ngoài thị trường.
Ông Trịnh Văn Quyết đã "mất" hơn 6.000 tỷ đồng tài sản trên sàn chứng khoán từ đầu tuần (ngày 16/4) đến nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thanh khoản thị trường sụt giảm những phiên trước đó cho thấy tâm lý e ngại đang có phần thắng thế. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về những mốc điểm sâu hơn trước khi có được nhịp hồi phục bền vững trở lại.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết thanh khoản vẫn giữ ở mức thấp dù giá cổ phiếu đã giảm tương đối cho thấy nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với xu hướng thị trường nên chưa vội vàng bắt đáy với phiên hồi phục thiếu tin cậy trước đó. Trên góc nhìn kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index tiếp tục là tiêu cực.
Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV nhận định dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường khiến cho thị trường không có đủ lực đỡ và giảm điểm sâu. Đặc biệt là nhóm ngân hàng, bất động sản... khiến thị trường giảm điểm mạnh. Bên cạnh đó, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như các cổ phiếu thuộc VN30.
BSC cho rằng xu hướng giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi thanh khoản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng và hạn chế tham gia cũng như chờ đợi những tín hiệu mới.
Chỉ số VN-Index đã giảm về mốc dưới 1.100 điểm cách đây một tháng. Nguồn: VNDirect. |
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS - thì cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường cơ sở nên xem xét tạm đứng ngoài thị trường trong khi nhà đầu tư phái sinh có thể tiếp tục theo đuổi chiến lược ngắn ở các nhịp hồi phục trong phiên và xem xét chuyển sang hợp đồng tháng 5 do kỳ tháng 4 sẽ đáo hạn trong phiên ngày mai.
Các nhận định của công ty chứng khoán chỉ là thông tin tham khảo. Các đơn vị này cũng khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định của mình.