28/11 là ngày quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hôm qua, thị trường Việt Nam kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Tuy nhiên, khác với không khí hồ hởi đón “sinh nhật”, 2 sàn TP.HCM và sàn Hà Nội trải qua nhiều thời điểm biến động mạnh.
Nhà đầu tư mất tỷ đô
Chốt phiên giao dịch ngày 28/11, chỉ số VN-Index giảm 10,58 điểm, tương ứng 1,57% và dừng ở mức 665,29 điểm, chỉ số HNX-Index giảm 0,88 điểm, tương ứng 1,09% xuống 80,11 điểm.
VN-Index giảm sâu khiến vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 21.759 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa sàn Hà Nội “bốc hơi” gần 1.000 tỷ đồng. Như vậy, 2 sàn “bốc hơi” 22.759 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).
Đại gia ngoại khiến người Việt mất tỷ đô trong vài tiếng
|
Hôm qua, chỉ số VN30-Index giảm 12,76 điểm, tương ứng 1,98% xuống 630,62 điểm. Điều đó có nghĩa nhóm cổ phiếu “đại gia” giảm sâu hơn toàn thị trường. Trong đó, VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam “rơi” khá mạnh.
Chốt phiên, VNM giảm 5.300 đồng/CP xuống 129.200 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam giảm 7.693 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ngày 12/12/2016, SCIC sẽ chào bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM với giá khởi điểm 144.000 đồng/CP. Nếu bán thành công, SCIC có thể thu về ít nhất 18.810 tỷ đồng tương đương hơn 840 triệu USD.
Như vậy, giá khởi điểm của phiên chào bán cạnh tranh cao hơn 11,5% so với thị giá VNM ngày 28/11.
Tập đoàn Masan cũng chịu thiệt hại lớn khi cổ phiếu MSN giảm 4.000 đồng/CP xuống 64.000 đồng/CP. MSN khiến vốn hóa thị trường Masan giảm 3.024 tỷ đồng. Là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan đã mất 113 tỷ đồng chỉ sau vài tiếng giao dịch.
Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng là 1 trong các blue-chips “rơi” mạnh nhất trong phiên 28/11 khi giảm 2.500 đồng/CP xuống 59.600 đồng/CP. Vì BVH, vốn hóa thị trường Tập đoàn Bảo Việt “hao hụt” 1.701 tỷ đồng.
Xét về tốc độ giảm, tất cả các blue-chips kể trên đều thua xa VCF của Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, VCF giảm 9.000 đồng/CP xuống 161.000 đồng/CP. VCF khiến vốn hóa thị trường VinaCafé Biên Hòa mất đi 239 tỷ đồng.
Trong phiên, ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros là một trong những cổ phiếu đáng lưu ý nhất. Đầu phiên, có thời điểm ROS giảm sàn, giảm 8.800 đồng/CP. ROS đã khiến vốn hóa của Faros “bốc hơi” 3.784 tỷ đồng.
Tại Faros, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC là người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi ROS giảm sâu. Sau vài tiếng giao dịch, ROS khiến giá trị cổ phiếu ROS của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hao hụt 2.460 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tới cuối phiên, ROS bất ngờ phục hồi và tăng 1.000 đồng/CP. Như vậy, ROS giúp vốn hóa thị trường Faros có thêm 430 tỷ đồng và tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng thêm 280 tỷ đồng.
Đại gia ngoại “nhấn chìm” thị trường
Nguyên nhân khiến các chỉ số chứng khoán giảm sâu trong phiên 28/11 chính là động thái bán ròng của đại gia ngoại.
Trên sàn TP.HCM, hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra lượng cổ phiếu trị giá 626,4 tỷ đồng nhưng chỉ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 239,5 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá gần 387 tỷ đồng.
VNM là cổ phiếu bị khối ngoại “xả” nhiều nhất trên sàn TP.HCM. Hôm qua, đại gia ngoại chỉ mua vào 682.630 đơn vị trong khi bán ra tới hơn 2,4 triệu đơn vị (trị giá khoảng 315 tỷ đồng). Động thái bán ròng của khối ngoại đã khiến giá VNM giảm sâu.
Không phải blue-chips nhưng cổ phiếu FIT của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T cũng nằm trong danh mục đầu tư của khối ngoại. Nhưng có lẽ do thị giá FIT quá thấp, chỉ hơn 5.000 đồng/CP lên FIT không được xem là an toàn với nhà đầu tư. Vì vậy, ngày 28/11, FIT bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank cũng bị khối ngoại “xả hàng”. Đã có tới hơn 1,4 triệu cổ phiếu STB (trị giá khoảng 11 tỷ đồng) bị khối ngoại bán ra. Sacombank ngày càng chìm trong khó khăn nên không còn hấp dẫn khối ngoại. Chốt phiên 28/11, STB dừng ở mức 7.800 đồng/CP. STB đã giao dịch dưới mệnh giá trong khoảng thời gian khá dài.
Có thể thấy, khối ngoại đẩy mạnh bán ra trong phiên 28/11. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên đại gia ngoại xả hàng. Tính từ đầu tháng 11 tới nay, khối ngoại đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 1.611 tỷ đồng.