Đại gia sẵn sàng đổi 2 xe hơi, 3 ngôi nhà để quý tử ngoan
Có vị đại gia đã thốt lên như thế, sau bao nhiêu năm vùi mặt kiếm tiền, không quan tâm tới con cái - nhà tâm lý Nguyễn An Chất tâm sự.
Có không ít ông bố bà mẹ, sau khi kiếm quá nhiều tiền, nhìn lại vẫn thấy thà đánh đổi tất cả để con không hư. Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy con cái hiện nay.
- Ông nhận xét gì về những trường hợp học sinh hư hỏng khi họ có một nền tảng kinh tế thuận lợi như báo chí đã phản ánh? Phải chăng nhiều tiền không tỉ lệ thuận với các cách dạy con của một số “đại gia” trong xã hội hiện nay?
- Hiện nay xã hội đang có một quan niệm không đúng khi cho rằng cứ giàu có, nhiều tiền thì cho rằng đó là đại gia. Tuy nhiên, cần phải xem xét họ làm giàu bằng trí tuệ, làm giàu không làm hại đến ai hay làm giàu bằng cách luồn lách cấp trên dẫn tới sử dụng các biện pháp gian trá, xảo quyệt.
Bên cạnh đó những đại gia bất chính này còn thường xuyên được một số người ca ngợi, tán tụng nên họ càng cho mình là tài giỏi. Họ tài giỏi thì họ nghĩ sẽ dạy con giỏi mà không cần trau dồi kĩ năng và kinh nghiệm dạy con.
Thậm chí nhiều gia đình đại gia còn lớn tiếng dạy con rằng: “Học để làm gì? Tao đây chỉ học hết lớp 5, lớp 6 mà bây giờ cũng giàu có như thế này”.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất. |
- Phải chăng, việc dạy cho trẻ những đạo lý, giá trị sống đang bị một số gia đình coi thường?
- Đúng là hiện nay có một số gia đình đang chê bai kiểu dạy đạo lý vì họ có quan niệm sai lầm khi cho rằng “đạo lý để mà ăn cháo à”. Trong khi đó, họ không biết rằng, việc dạy đạo lý sẽ giúp đứa trẻ trở thành một con người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lượng không bằng kinh sử một vài pho” để khẳng định sự quý giá của tri thức và đạo lý. Nếu để cho con tiền bạc, thậm chí anh em trong gia đình vì tranh giành mà giết nhau. Nhưng nếu để cho con tri thức, gia đình đó sẽ phát triển mãi về sau.
- Sự nhầm lẫn này ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào trong việc giáo dục con cái, thưa ông?
- Nhiều đại gia tìm gia sư, tìm giúp việc để con cái của họ được sống trong “nhung lụa”. Tuy nhiên, họ đã có quan niệm nhầm lẫn, tình cảm là điều quan trọng nhất thì trẻ lại không được ai truyền đạt.
Con cái họ đang thiếu đi hơi ấm, tình cảm chân thật của bố mẹ. Đó là một sự thiếu hụt ghê gớm. Đặc biệt, các em học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên, rất cần tình cảm của gia đình lại đang lạc đường và cô đơn trong chính mái nhà sang trọng của mình.
- Có trường hợp nào tìm đến ông khi cha mẹ nhận ra sự thiếu quan tâm thì đã muộn?
- Có một gia đình sau khi được tôi tư vấn đã thốt lên hoảng hốt: “Tôi có thể đổi 2 ô tô đắt tiền và 3 căn nhà mặt đường chỉ để cho con tôi có một nghề bình thường”. Tuy nhiên, bây giờ sao có thể đổi được nữa khi đứa con đã sa ngã khi thiếu đi tình cảm, sự quan tâm của gia đình.
- Vậy phải chăng, mặc dù bố mẹ đại gia nhưng trẻ thiếu cả sự quan tâm về thể chất lẫn tinh thần?
- Tôi cho rằng trẻ không hư mà các cháu là những người thiệt thòi vì bản thân người lớn cũng không đủ kỹ năng để dạy chúng thành những người có đạo lý, có tư cách.
Các em học sinh đang thiếu đi sự chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt ở đây các gia đình thường không quan tâm đến việc chăm sóc tinh thần cho con cái. Những người cha người mẹ không hiểu được con cái của mình đang cần cái gì và phải hướng trẻ làm những điều gì có ích cho xã hội.
Thiếu đi sự quan tâm của gia đình, nhiều học sinh rất dễ bị sa ngã. |
- Là một người bố, người mẹ thì cần phải chú ý điều gì khi chăm sóc cuộc sống tinh thần cho con cái thưa ông?
- Những người cha, người mẹ cần phải thấy rằng để chăm sóc cho cuộc sống tinh thần của con cái là một điều rất khó.
Mỗi khi con cái của họ mắc lỗi, cha mẹ phải nghĩ rằng bản thân con em họ cũng không muốn điều đó. Khi con cái có được sự cảm thông từ cha mẹ, các em đó sẽ làm nên những điều kỳ diệu và thay đổi chính bản thân mình.
Tôi có thể lấy một ví dụ đơn giản khi các em học sinh bị điểm kém thường rất sợ sệt khi thông báo cho bố mẹ. Nhiều người thấy con bị điểm kém sẵn sàng có thể mắng mỏ: “Học hành như thế này à? Có mỗi ăn với học mà không xong. Nuôi mày tốn cơm tốn gạo” - câu này sẽ khiến cho trẻ tổn thương sâu sắc.
Tuy nhiên, trong tình huống này, các cha mẹ nên có cách xử lý như sau: “Mẹ cũng biết con rất buồn khi bị điểm kém như thế này. Điểm kém này của con cũng có một phần lỗi của mẹ và của bố. Tối hôm qua bố mẹ đã quên không nhắc con đi ngủ sớm để sáng nay có sức mà làm bài tốt”.
Khi con cái cảm thấy được sẻ chia, được động viên các em sẽ sẵn sàng đứng ra nhận lỗi để rồi sau đó sẽ quyết tâm tiến bộ.
Theo VTC