NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam – chia sẻ với Zing.vn góc nhìn cá nhân cũng như lập trường của Hội Điện ảnh Việt Nam liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều ngày qua.
Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. |
'Giá trị đất đai ở Hãng phim truyện VN là có'
Ngay sau khi nhận được đơn của chi hội điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam đã họp bàn và có đơn thư gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ của Hội Điện ảnh là bảo vệ hội viên. Do vậy, chúng tôi coi đây là trách nhiệm của Hội dù hiện tại vẫn chưa thể biết được sự việc sẽ đi về đâu và kết quả cuối cùng sẽ như thế nào.
Lập trường của Hội Điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay là hết sức ủng hộ việc cổ phần hóa, đó là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, với trường hợp ở Hãng phim truyện Việt Nam cần phải có một đối tác phù hợp. Chúng tôi gọi là “vừa có tâm huyết vừa có kinh tế và tài năng”.
Đơn vị mua lại Hãng phải có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy sự phát triển Hãng. Nhưng với trường hợp của VIVASO, các nghệ sĩ không có sự tin tưởng vào khả năng làm phim của đơn vị này. Đơn vị này cũng không hề có kinh nghiệm trong việc làm phim và quản lý nghệ sĩ.
Hãng phim xập xệ, xuống cấp là thực tế không phải bàn cãi. Chính thế nên mới phải cố phần hóa. Nhưng quá trình cổ phần hóa có minh bạch hay không lại là một chuyện khác.
Tại sao lại chỉ đăng tải tin chào bán cổ phần hóa trên một tờ báo địa phương trong khi có quy định là phải đăng cả ở báo địa phương và trung ương?
Tôi cho rằng nếu cổ phần hóa minh bạch, sẽ không chỉ có đối tác duy nhất là VIVASO mà còn có nhiều doanh nghiệp khác. Hãng phim truyện Việt Nam từng làm việc với nhiều đối tác. Nếu công khai rõ ràng cổ phần hóa, có thể nhiều doanh nghiệp từng hợp tác với Hãng sẽ chung tay lại để cứu lấy Hãng.
Trước những dư luận trái chiều, việc minh bạch quá trình cổ phần hóa là đương nhiên. Nhưng, bên cạnh đó, việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và việc chỉ bỏ ra hơn 30 tỷ, VIVASO đã trở thành cổ đông chiến lược cũng cần phải xem xét lại.
Hãng phim truyện Việt Nam không thể rẻ như thế. Dù 5.000 m2 ở Thụy Khuê là đất thuê của Hà Nội, nhưng đất thuê cũng có quy định rất rõ. Đó là còn chưa kể đến Nhà thủy phi cơ, 94 m2, nằm sát Hồ Tây. Tôi được biết đây không phải đất thuê mà đất có sổ đỏ đàng hoàng, đứng tên Hãng phim truyện Việt Nam.
Nhà xưởng ở Thái Văn Lung trong TP.HCM là mới xây và rất đàng hoàng chứ không xập xệ như ngoài Hà Nội. TP.HCM đã cho Hãng phim truyện Việt Nam xây và công trình đó thuộc quyền sở hữu của Hãng. Giá trị đất đai của Hãng là có, chứ không phải là không.
NSND Đặng Xuân Hải cho rằng lãnh đạo VIVASO và các nghệ sĩ đã xúc phạm lẫn nhau nhưng bên VIVASO đã có những lời nói và hành động xúc phạm trước. Đồ họa: Châu Châu. |
'Phải định giá lại Hãng phim truyện Việt Nam'
Tôi thấy bên VIVASO kêu gọi sự đồng cảm của các nghệ sĩ nhưng rõ ràng họ không đưa ra được kế hoạch làm phim cụ thể. Khi nghệ sĩ đưa kế hoạch, họ lại không duyệt. Không có kế hoạch, không có đường hướng. Tất nhiên, anh em nghệ sĩ không thể yên tâm.
Nói phải đi đôi với làm mới có thể thuyết phục được các nghệ sĩ. Anh đã cam kết như thế nào anh phải làm như thế. Trước khi cổ phần, anh cam kết trả lương như cũ nhưng vừa mới vào 2 tháng anh đã cắt, giảm, thậm chí không trả lương một số nghệ sĩ.
Rõ ràng doanh nghiệp đã xúc phạm nghệ sĩ với những từ ngữ, hành động không thể chấp nhận được. Sau đó, tôi đồng ý là nghệ sĩ cũng có những lời nói có chút xúc phạm đến doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc hai bên xúc phạm lẫn nhau.
Tựu trung lại, theo tôi muốn giải quyết được mâu thuẫn, phải giải quyết được những vấn đề sau: Một là, minh bạch quá trình cổ phần hóa. Hai là, nếu VIVASO vẫn tiếp tục là cổ đông chiến lược thì phải có kế hoạch cụ thể và cách quản lý thấu tình đạt lý. Và cuối cùng phải định giá lại giá trị đất đai và thương hiệu của Hãng.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim cũng hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017.
Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.