Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Tòng 'Thiên Mã' từng muốn mua chuyên cơ

Tòng "Thiên Mã" được nhiều người ở Cần Thơ biết đến vì ông ta xài tiền như nước. Tiếp viên quán nhậu mua cho đại gia này vài trái bắp nướng cũng được "bo" cả triệu đồng.

Hai ngày qua, người dân miền Tây xôn xao khi hay tin Phan Bá Tòng (Tòng "Thiên Mã", 42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã - THMACO) cùng kế toán trưởng Trần Thị Diễm bị bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo những người làm trong ngành thủy sản, khi Tòng bị bắt họ không bất ngờ vì ông này tiêu tiền như nước, có nhiều suy nghĩ được cho là rất "ngông" và Công ty Thiên Mã đã lún vào nợ nần từ nhiều năm trước.

Lớn lên ở vùng sông nước Cà Mau, Tòng học giỏi tiếng Anh nên thời trai trẻ anh ta lên Cần Thơ làm tiếp tân khách sạn. Sau đó, ông ta trở thành người pha chế rượu có tiếng ở vùng "gạo trắng nước trong" nên được nhiều đại gia và dân chơi biết đến.

Muốn học lái máy bay

15 năm trước, nhiều thương gia người Mỹ đến miền Tây làm ăn trong lĩnh vực thủy sản. Trong những lần pha chế rượu cho họ, vốn tiếng Anh của Tòng phát huy nên anh ta được các doanh nhân mời làm đại lý cung cấp cá ca, basa phi lê sang Mỹ.

bat dai gia thuy san o mien Tay anh 1

Hummer H2

của Tòng "Thiên Mã" khi chưa bị ngân hàng phát mãi thu hồi nợ. Ảnh: CTV.

Thấy Tòng có quan hệ làm ăn tốt với các ông chủ ngoại quốc, vài người bạn làm trong lĩnh vực thủy sản đã giúp ông ta mở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã vào năm 2005, vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Từ đó, cái tên Tòng "Thiên Mã" ở Cần Thơ ra đời.

"Kinh doanh tốt một thời gian, Tòng có mộng làm bá chủ ngành thủy sản ở Cần Thơ nên xây dựng đến 3 nhà máy chế biến. Anh ta còn dự dịnh mua chuyên cơ và sang Mỹ học lái máy bay. Tòng còn thích ca hát khi ăn nhậu, tiếp viên của quán mua dùm vài trái bắp nướng cũng được đại gia này 'bo' từ 500.000 đến 1 triệu đồng", một người bạn cùng ngành kinh doanh với Tòng chia sẻ.

Có tiền, Tòng "Thiên Mã" mua Hummer H2 trị giá 4 tỷ đồng, gắn biển số 95H-3333 được nhập từ Mỹ để đi giao tiếp. Ông ta còn sở hữu xe Camry biển số 95H-9999. Tuy nhiên, sau khi công ty lún vào nợ nần, hai xe biển số "độc" này được ngân hàng phát mãi thu hồi vốn.

Trước khi nhiều tài sản bị phát mãi, Tòng hay lái Hummer H2 đến dinh thự Diệu Hiền ở Cần Thơ để ăn uống với ông Trần Văn Trí (chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền). Lúc đó, Tòng muốn tặng siêu xe này cho ông Trí để tạo quan hệ.

Lún nợ nần từ 5 năm trước

Theo báo cáo của ngành chức năng TP Cần Thơ, lúc cao điểm, 3 nhà máy của Công ty Thiên Mã tạo công ăn việc làm cho 3.500 công nhân, tổng công suất đạt 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Thị trường xuất khẩu của công ty được phát triển tới 40 nước.

Để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh theo mô hình khép kín, Tòng thuê đất mở hệ thống 12 trang trại thủy sản, từ khâu sản xuất cá bột rồi đưa qua ao nuôi 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho 100 ha đất trang trại này là 200 tỷ đồng, đó là chưa tính đến thiết bị, dây chuyền chế biến. Riêng năm 2009, hai nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD.

bat dai gia thuy san o mien Tay anh 2
Tòng "Thiên Mã" từng sở hữu xe Camry biển số tứ quý 9. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, Thiên Mã có dấu hiệu tuột dốc khi lãi suất ngân hàng tăng cao. Như nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Thủy sản Thiên Mã bắt đầu lún vào nợ nần, nợ quá hạn không khả năng thanh toán nên rơi vào "danh sách đen" của các ngân hàng.

Năm 2012, tổng nợ tại 5 ngân hàng của Công ty Thiên Mã lên đến 430,5 tỷ đồng (Việt Á, Indovina Cần Thơ, Ngân hàng Phát triển VN, Agribank và BIDV chi nhánh Hậu Giang). Trong đó có ngân hàng công ty nợ vay 205,3 tỷ đồng và nợ lãi lên đến 72,7 tỷ đồng. Đó là chưa tính khoản nợ 52 tỷ đồng Thủy sản Thiên Mã chưa có khả năng trả cho nông dân vào thời điểm đó.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên Zing.vn, cuộc trao đổi liên tục bị gián đoạn vì ông Tòng phải gọi điện thoại cho các đối tác để thương thảo chuyện gia hạn nợ. Những lần như thế, Tòng nói, ông ta đang tìm cách chuyển nhượng đất đai với giá tiền tỷ để tìm vốn xoay trở cho nhà máy duy nhất còn hoạt động là Thiên Mã 3.

"Ba nhà máy đã đóng cửa hết hai. Còn một nhưng không tự sản xuất vì ngân hàng ngưng cho vay nên tôi chỉ gia công để duy trì công việc cho công nhân", ông Tòng chia sẻ lúc chưa bị bắt.

Giám đốc một công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ cho biết, có thể nguyên nhân chính của vụ vỡ nợ của Tòng là từ khoản vay rất lớn trước đây. Khi đó, vì hăng hái mở rộng đầu tư, Tòng đã không ngần ngại vay khoảng 1.000 lượng vàng từ một nguồn bí mật. Lúc này, giá vàng chỉ trên 20 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giá vàng tăng, cộng thêm tiền lãi hàng tháng khiến Tòng đuối dần.

Để có nguyên liệu sản xuất, Tòng sẵn sàng mua cá bệnh của nông dân. Ông Nguyễn Văn An (người nuôi cá ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) kể: "Cá bị đốm đỏ, chết ngạt cũng được công ty của ông Tòng mua. Tuy nhiên, bù lại là người bán phải thông cảm với Thiên Mã bằng cách cho công ty này trả góp".

Theo một nông dân, sau khi bán cá tra cho Công ty Thiên Mã, họ được hẹn sau 17h30 ngày thứ Ba hoặc thứ Sáu mới nhận được "tiền góp". Nếu Thiên Mã nợ khoảng 3 tỷ đồng, thì mỗi lần "trả góp" khoảng 50-100 triệu đồng, thậm chí chỉ 10 triệu đồng. Vì vậy, từ năm 2011, Thiên Mã được mệnh danh là "công ty trả góp".

Trò chuyện cùng phóng viên, ông Trần Văn Trí cho biết, sau khi tham gia tái cấu trúc thành công tại Thủy sản Bình An, doanh nhân này đã mời lãnh đạo Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính về Cần Thơ để nghiên cứu phương án giúp Tòng "Thiên Mã". Sau đó, một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng ở TP HCM cũng muốn gánh nợ cho Tòng nhưng ông ta luôn đặt lợi ích của mình lên trên nên những cuộc thương thảo đã bất thành.

"Tòng bị bắt là điều mà chúng tôi không ngạc nhiên vì nợ 5 ngân hàng và đối tác bên ngoài khoảng 700 tỷ đồng nhưng chú ấy không có khả năng chi trả. Tôi từng tìm đối tác cho Tòng tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm vượt qua nợ nần nhưng chú này chỉ muốn đi lừa gạt người ta", ông Trần Văn Trí nói.

bat dai gia thuy san o mien Tay anh 3
Biệt thự của ông Phan Bá Tòng trong hẻm 75, đường Trần Phú, TP Cần Thơ. Ảnh: Việt Tường.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, Công ty Thiên Mã nhiều năm nợ tiền thuê đất của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp nên hai bên nhiều lần định đưa nhau ra tòa. "Nợ ngân hàng Tòng không có khả năng thanh toán thì lấy đâu để trả tiền thuê đất", ông Hùng nói.

Chiều 1/4, phóng viên đến nhà Tòng trong hẻm 75, đường Trần Phú, TP Cần Thơ. Nhà vẫn mở cửa nhưng vợ Tòng không thể tiếp chuyện với khách vì bà này bị mệt, nằm suốt trên lầu từ khi hay tin chồng bị bắt và công an đến khám xét nhà.

Mẹ vợ của Tòng "Thiên Mã" bồng cháu ngoại (Tòng có 4 đứa con) ra ngoài. Bà này nói: "Nợ nần thì sản xuất từ từ trả. Tòng nói chuyện 'làm phách' nên người ta ghét, bắt nó vài tháng thì thả chứ có gì".

Ngày 31/3, Cục Cảnh sát kinh tế (C46, Bộ Công an) đã bắt Phan Bá Tòng tại TP HCM. Đơn vị này sau đó đã phối hợp với Công an TP Cần Thơ bắt kế toán trưởng Công ty Thiên Mã là bà Trần Thị Diễm (46 tuổi). Nơi làm việc nhà nhà riêng của Tòng ở quận Ô Môn và quận Ninh Kiều đã bị khám xét đến 21h cùng ngày. Cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi của các cán bộ ngân hàng liên quan đến nợ nần của Công ty Thiên Mã.

Bắt đại gia thủy sản Tòng 'Thiên Mã' ở miền Tây

Thông tin ban đầu, tổng số tiền đại gia thủy sản này chiếm đoạt lên đến 700 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đang làm rõ trách nhiệm những người liên quan.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm