Gần đây, nhiều trường học ở Nhật Bản nhận thấy ảnh hưởng của tình trạng dân số già khiến số lượng sinh viên tiềm năng giảm mạnh. Một trong số đó là ĐH Hanazono, thuộc thành phố Kyoto. Đây là trường cung cấp các khóa học về nhân văn với số lượng sinh viên khoảng 1.000 đến 2.000 người.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, Hanazono phải vật lộn với cuộc chiến tuyển sinh khi chỉ khoảng 10 học sinh đăng ký dự thi vào trường. Đó là viễn cảnh vô cùng ảm đạm với một trường đại học. Để tồn tại, họ buộc phải tìm cách thích nghi.
Hanazono quyết định vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách lập ra "Học bổng 100 năm". Mục đích là thu hút người cao tuổi đi học, lấp đi khoảng trống lớp trẻ bỏ lại.
ĐH Hanazono ở Kyoto, Nhật Bản. Nguồn: Wikipedia |
Học bổng kỳ lạ
Cơ chế hoạt động của học bổng rất đơn giản. Số tuổi của sinh viên tương ứng với phần trăm học phí được giảm.
Ví dụ, sinh viên 62 tuổi sẽ được giảm 60% học phí. Một khóa học 4 năm ở khoa Văn của Hanazono với sinh viên thông thường tốn 3,1 triệu Yen, nhưng bạn sẽ chỉ cần bỏ ra 1,2 triệu Yen (250 triệu đồng).
Tương tự, những người tuổi 50 sẽ được giảm 50%, 70 là 70%... Thậm chí, bất cứ ai trên 100 tuổi mà vẫn có nhu cầu đi học sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Tuy nhiên, học bổng này không áp dụng cho các khóa sau đại học.
Ý kiến trái chiều
Ngay khi được truyền thông đưa tin, nhiều người đã bày tỏ ý kiến khác nhau về vấn đề này. Không ít bạn trẻ phản đối: "Ai mà lại tới trường khi đã ở tuổi 100 cơ chứ?"; "Một trường đại học mà không đầu tư vào tương lai thì chả có gì giá trị".
Thậm chí, một số người còn bình luận khá gay gắt. Người dùng có nickname Disillusioned đưa ra ý kiến phản đối trên Japan Today: "Những người trên 100 tuổi được học miễn phí ư? Liệu đây có phải là một sự hào phóng không? Không đâu, nó là sự xấu hổ thì đúng hơn. Ít người trên 100 tuổi mà còn đủ minh mẫn để học đại học.
Tôi nghĩ họ nên miễn học phí cho những người về hưu trên 65 tuổi. Miễn một nửa học phí cho những người trên 50 tuổi cũng chẳng có giá trị nhiều. Hầu hết người ở tuổi này đều đang nắm vị trí quản lý cao cấp ở một công ty và không thể học đại học. Đây rõ ràng chỉ là chiêu trò PR của trường".
Bạn đọc Performing Monkey còn bình luận mỉa mai: "Đây có lẽ là trường đại học chuyên về thiền. Những ông già, bà cả sẽ đến đó ngồi thiền cả ngày. Chỉ cần cứ vài phút lại vỗ nhẹ vào vai để giữ họ tỉnh táo là được".
Tuy vậy, nhiều người vẫn ủng hộ học bổng này của ĐH Hanazono.
Người có nickname Chip Star bày tỏ: "Tiếp tục học sẽ giúp não hoạt động linh hoạt. Ý tưởng của trường đại học này không tệ".
Tài khoản That Person nói: "Tôi rất thích ý tưởng này. Tại sao lại không nhỉ? Nhiều người lớn tuổi đặt mục tiêu rằng họ phải đạt được tấm bằng trước khi qua đời. Ngay cả khi họ không thành công, ít nhất họ cũng biết là đã cố hết sức và không thể đổ lỗi cho ai. Nếu ai đó bảo đây là PR, quảng cáo thì đã sao nào, chí ít họ cũng thành công. Miễn sao họ giữ đúng lời hứa, thế là ổn. Tôi thấy chẳng có vấn đề gì ở đây cả”.
Tình trạng dân số già ở Nhật Bản tới mức báo động
Theo trang World Population Review, Nhật Bản hiện là quốc gia có dân số già nhất nhì thế giới và điều này còn tiếp tục trong tương lai. Thống kê dân số năm 2015 cho thấy số người ở độ tuổi trên 65 chiếm 26,7% trong tổng số hơn 127 triệu dân Nhật, tăng 3,7% so với 5 năm trước.
Tờ Kyodo News dẫn ước tính của Bộ Phúc lợi Xã hội Nhật Bản cho biết số người sống trên 100 tuổi ở Nhật là 69.785 người (tính đến tháng 9/2018), trong đó phụ nữ chiếm 88%.
Nhiều người cao tuổi ở Nhật bản vẫn còn đi làm. Ảnh: Bloomberg |
Thống kê của Viện nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho thấy số người sống hơn 100 tuổi sẽ tiếp tục tăng lên, khả năng đạt đến 170.000 người/thập kỷ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống kết hợp việc tạo điều kiện cho người cao tuổi hoạt động trong cuộc sống, giúp họ sống thọ hơn.
Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, chính phủ Nhật Bản thúc đẩy ý tưởng "cuộc sống trăm tuổi". Người già có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội.
"Sống tới 70 tuổi ngày nay chỉ như là 50 hay 60 của ngày xưa mà thôi. Năm nay, tôi sẽ 63 tuổi nhưng vẫn cảm thấy mình mới chỉ 52 hay 53", tờ Washington Post dẫn lời ông Abe chia sẻ.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 23% người Nhật từ 65 tuổi trở lên vẫn còn đi làm vào năm 2016. Hiện tại, tuổi nghỉ hưu của Nhật Bản là 65 tuổi cho cả nam và nữ, vốn đã khá cao so với các quốc gia khác.
Các bác sĩ Nhật Bản đã đề xuất chính phủ thay đổi quy định tuổi nghỉ hưu của nước này. Cụ thể, theo đề xuất mới, trên 75 tuổi mới là cao tuổi, trên 90 tuổi là "thượng thọ".
Từ những thực tế này, những người ủng hộ ý tưởng "Học bổng 100 năm" của ĐH Hanazono càng có cơ sở để giữ quan điểm của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chờ tới mùa xuân năm 2019 - thời điểm khóa học với “Học bổng 100 năm” bắt đầu, để thấy mức độ hiệu quả của ý tưởng này.