Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học ở TP.HCM giảm lương giảng viên, cầm cự qua mùa dịch

Ảnh hưởng dịch bệnh khiến các trường không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả nhiều chi phí khác. Thu chi không cân đối buộc nhiều đại học tính đến phương án giảm lương giảng viên.

Không thu được học phí, mấy tháng qua, nhiều trường phải dùng quỹ dự phòng để trả lương cho giảng viên và các khoản phí khác như tiền thuê cơ sở vật chất, khấu hao nguyên liệu thí nghiệm, sửa chữa, bảo quản trang thiết bị...

Nhiều trường còn đầu tư số tiền không nhỏ để chuyển các hoạt động dạy học sang nền tảng trực tuyến. Đây là bài toán kinh tế không dễ với lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học.

thu hoc phi dai hoc anh 1

Sinh viên không đến lớp, trường không thể thu học phí, trong khi vẫn phải trả lương giảng viên và nhiều chi phí khác. Ảnh minh họa: ĐH Bách khoa TP.HCM.

Giảm, nợ lương giảng viên, nhân viên

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã tính đến phương án giảm lương giảng viên, cán bộ, nhân viên.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường, cho biết đơn vị này dự kiến chia 3 mức giảm. Mức 1 giữ lương cơ bản; mức 2 sẽ giữ lương cơ bản nhưng giảm 25% lương phụ trợ; mức 3 giữ lương cơ bản nhưng giảm 50% lương phụ trợ.

"Từ sau Tết đến nay, trường chi 40 tỷ cho nhiều khoản trên mà không có nguồn thu. Chưa kể năm nay không có học kỳ hè, trường cũng sẽ không thu được học phí học kỳ hè. Do đó, lãnh đạo trường đang tính đến nhiều phương án để cân đối thu chi, trong đó có việc giảm lương người lao động", thạc sĩ Sơn cho hay.

Tương tự, từ tháng 4, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bắt đầu giảm lương từ cấp quản lý đến giảng viên và buộc phải tiết kiệm chi tiêu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết nếu trường vẫn áp dụng mức chi như năm trước thì đến cuối năm nay, sẽ lỗ 200 tỷ.

“Trường sẽ giảm 15% thu nhập của nhân viên và giảng viên. Thậm chí ở cấp lãnh đạo, mức giảm còn nhiều hơn. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, trường phải giảm lương sâu hơn và cắt hết các dịch vụ thuê bên ngoài như chăm sóc cây xanh, vệ sinh...", ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, từ tháng 2 đến nay, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM phải nợ lương giảng viên. Cụ thể, thu nhập của giảng viên gồm 2 khoản, lương theo ngạch bậc và tiền dạy tăng thêm. Nhưng hiện nay, trường chỉ trả lương theo ngạch bậc từ quỹ dự phòng. Tiền dạy tăng thêm phải nợ giảng viên, chờ sau khi thu được học phí sẽ trả.

PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, thông tin trường đang khó khi năm nay nguồn ngân sách từ Nhà nước bị cắt, lại bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ sau Tết, thu nhập của giảng viên giảm, chỉ bằng 2/3 so với trước đây. Dự kiến từ tháng tư, giảng viên chỉ còn nhận được một nửa lương.

"Trường sống bằng học phí của sinh viên, mà bây giờ sinh viên không nhập học, không đóng học phí thì không lấy đâu ra tiền. Những năm trước, trường còn có ngân sách do Nhà nước cấp nhưng năm 2020 bị cắt hoàn toàn. Kinh phí năm nào dùng năm đó nên rất khó khăn", ông Hướng cho biết.

thu hoc phi dai hoc anh 2

Nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các trường vẫn phải đầu tư số tiền không nhỏ để dạy học trực tuyến. Ảnh: ĐH Bách khoa TP.HCM.

Cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết

Dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, PGS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Luật TP.HCM, cho biết trường không cắt giảm lương, thu nhập của người lao động.

Theo PGS Trần Hoàng Hải, thời gian qua, ĐH Luật TP.HCM, bằng nhiều cách khác nhau, đã quyết liệt triển khai việc dạy trực tuyến để thực sự đạt hiệu quả. Ngoài việc tốn kinh phí đầu tư, chuyển đổi, thầy cô cũng rất vất vả để chuẩn bị, lên hình dạy học và tương tác với sinh viên.

"Dù khó khăn, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến việc giảm lương của giảng viên. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách để thu nhập thầy cô không thay đổi. Bởi hiện nay, thầy cô, nhân viên cũng phải vượt qua một số khó khăn nhất định. Các bộ phận đều đang làm việc âm thầm, hết sức mình để đảm bảo việc học trực tuyến của trường", người phụ trách ĐH Luật TP.HCM nói.

PGS Hải cho rằng dù học trực tiếp hay trực tuyến, nếu hiệu quả đem lại là như nhau, trường vẫn thu học phí bình thường và lương giáo viên cũng được đảm bảo.

Hơn nữa, mỗi học kỳ, trường có kế hoạch chi tiêu khác nhau. Trong thời điểm khó khăn, để cân đối thu chi, trường phải hoãn việc mua sắm, sửa chữa, xây dựng trang thiết bị, cơ sở vật chất, các dự án nghiên cứu khoa học hoặc những khoản chưa thực sự cần thiết để tập trung đầu tư cho việc dạy học trực tuyến, trả lương cho giảng viên, người lao động.

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói thời gian qua, ngoài học phí, các nguồn thu khác như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học cho đối tác, đều bị ảnh hưởng. Dù khó khăn, đến nay, trường vẫn cân đối thu chi và trả lương đầy đủ cho nhân viên, giảng viên.

"Thời điểm này, sinh viên chưa học, chưa thu được học phí, trường dùng các quỹ khác để trả lương giảng viên; Các em nhập học sẽ thu học phí bù lại. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa, chúng tôi cũng chưa nói trước được điều gì", TS Lý chia sẻ.

Tương tự, từ sau Tết, giảng viên, cán bộ viên chức ĐH Công nghiệp TP.HCM, vẫn nhận lương và phụ cấp đầy đủ. TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay trường đã sử dụng quỹ dự phòng và các tài sản tích lũy khác để chi trả hoạt động, không để ảnh hưởng thu nhập của người lao động.

Sinh viên 10 trường đại học ở TP.HCM được giảm học phí

Cùng chia sẻ khó khăn với sinh viên và gia đình trong mùa dịch Covid-19, nhiều trường đại học ở TP.HCM quyết định giảm học phí.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm