Đại học Oxford không cho phép sinh viên và nhân viên trường yêu đương hoặc có quan hệ thân mật. Ảnh: Pexels. |
Đại học Oxford trở thành đại học mới nhất ở Anh áp dụng lệnh cấm quan hệ thân mật giữa sinh viên (sinh viên đại học, sinh viên sau đại học) và nhân viên nhà trường (bao gồm giảng viên, trợ giảng, cố vấn học tập, nhân viên tuyển sinh...).
Theo Nature, chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 17/4. Với những mối quan hệ thầy trò hiện có ở trong trường, Đại học Oxford sẽ giải quyết bằng cách đảm bảo giảng viên, nhân viên đó không còn trách nhiệm gì với sinh viên.
Bà Anna Bull, nhà nghiên cứu giáo dục và công bằng xã hội tại Đại học York (Anh), đề cao quy định mới của Đại học Oxford. Bà nhận định đây là một điều mang lại ý nghĩa vì Đại học Oxford là một trường danh tiếng, có tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế.
Đại học Oxford là trường mới nhất ở Anh cấm sinh viên và nhân viên trường yêu nhau. Ảnh: Oxford University. |
Lợi bất cập hại khi cấm thầy trò yêu nhau
Mối quan hệ giữa sinh viên và giảng viên, nhân viên trường có thể vượt qua ranh giới nghề nghiệp, gây ra xung đột lợi ích và có nguy cơ gây ra tình trạng lạm dụng quyền lực. Nhiều trường đại học từ lâu đã không khuyến khích mối quan hệ này, đôi khi yêu cầu phải báo cáo cho quản lý trực tiếp hoặc cấm hoàn toàn.
Động thái mới của Đại học Oxford giống với một cuộc tham vấn về các quy tắc chống quấy rối và hành vi sai trái về tình dục của Văn phòng Sinh viên Vương quốc Anh. Đề xuất của cơ quan này sẽ yêu cầu ghi lại những mối quan hệ thầy trò ở trường đại học. Hiện, họ cũng đang trưng cầu ý kiến về việc cấm hoàn toàn những mối quan hệ như vậy ở môi trường sư phạm.
Bà Nehaal Bajwa, Phó chủ tịch Hội sinh viên Quốc gia Vương quốc Anh ở Brighton, nhận định việc ghi lại các mối quan hệ sẽ có ích, nhưng rất khó để biết kết quả của việc này sẽ đi về đâu. Bà đặt câu hỏi các nhà quản lý sẽ làm gì khi những mối quan hệ đó có vấn đề.
"Chính sách hay lệnh cấm đưa ra không phải lúc nào cũng có tác dụng như mong muốn. Một quy định không thể giải quyết mọi vấn đề", bà Bajwa nói.
Bà Anna Bull và bà Nehaal Bajwa đều cho rằng chính sách của Đại học Oxford đang tạo đúng thông điệp, nhưng việc đưa ra lệnh cấm nghiêm ngặt là không cần thiết và cũng không đủ.
Theo hai chuyên gia, lệnh cấm cũng có nguy cơ khiến các mối quan hệ biến từ công khai thành lén lút. Vấn đề quan trọng hơn là liệu các trường đại học có thể áp dụng lệnh cấm triệt để, hiệu quả hay không.
Bà Anna Bull đề xuất các trường đại học cần xây dựng chương trình rộng hơn để nâng cao nhận thức về các mối quan hệ, đồng thời giúp sinh viên nhận biết các mối quan hệ lạm dụng độc hại. Bà Bajwa cũng đồng ý quan điểm này và nói thêm rằng bản thân lệnh cấm sẽ không tác động được nhiều mà phải cần đến một loạt biện pháp khả thi hơn.
Nhiều người lo ngại mối quan hệ thầy trò sẽ khiến sinh viên bị lạm dụng. Ảnh minh họa: Pexels. |
Những tác động xấu kéo dài nhiều năm
Không riêng Oxford nói riêng đại học ở Anh nói chung, nhiều đại học khác trên thế giới cũng áp dụng quy định để ngăn chặn tình trạng giảng viên, sinh viên yêu nhau hoặc có mối quan hệ thân mật.
Năm 2018, Australia ban hành chính sách mới, theo đó quy định mối quan hệ tình dục hoặc lãng mạn giữa người giám sát học thuật (ví dụ giảng viên, trợ giảng, cố vấn) và sinh viên (bao gồm sinh viên đại học, nghiên cứu sinh, ứng viên tiến sĩ) là "không bao giờ phù hợp".
Tại Canada, Đại học British Columbia cũng cấm sinh viên và giảng viên, nhân viên trường có quan hệ thân mật. Quy định này được trường áp dụng từ năm 2020.
Mặc dù một số người coi mối quan hệ giữa sinh viên và nhân viên, giảng viên là vấn đề tự do cá nhân giữa những người trưởng thành, những người khác lại cho rằng mối quan hệ như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lạm dụng.
Bà Nehaal Bajwa chỉ ra rằng nền văn hóa cấp bậc, sự mất cân bằng quyền lực cố hữu tại các trường đại học có thể khiến các giảng viên khó nhìn ra quan điểm của sinh viên ở nhiều vấn đề, đồng thời khiến sinh viên hoài nghi về hành vi của nhân viên, giảng viên trường.
Một lưu ý là không phải tất cả mối quan hệ thầy trò đều là tự nguyện. Không ít trong số đó là bị ép buộc hoặc phải đồng ý vì sợ bị trả thù. Mối quan hệ ép buộc như vậy có thể hủy hoại một người, khiến người đó thay đổi suy nghĩ liệu yêu đương có phải bóc lột hay không.
Năm 2017-2018, Vương quốc Anh thực hiện khảo sát với hơn 1.500 sinh viên đại học để hỏi về mối quan hệ thầy trò ở môi trường sư phạm. Trong khảo sát, một sinh viên nói rằng ngay cả khi sinh viên đồng ý có quan hệ tình cảm với giảng viên, đến nhiều năm sau, họ vẫn không thể biết họ dễ bị tổn thương như thế nào khi đối mặt với giảng viên.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên