Sáng nay (30/5), kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra với hai môn Ngoại ngữ và đánh giá năng lực.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi trong buổi sáng đầu tiên là 6.587 (có mặt 6.292, chiếm tỷ lệ 92,55 %). Điểm thi có tỷ lệ dự cao nhất đạt 97%, thấp nhất 83,33%. Đây là tỷ lệ dự thi cao kỷ lục trong 5 năm qua, tính theo phương án "ba chung".
Giải đáp thắc mắc về kỳ thi đánh giá năng lực, ông Sơn cho biết, thí sinh không được phúc khảo. Lý giải nguyên nhân này, ông Sơn nhận định, nếu thi theo hình thức cũ, phúc khảo để loại trừ các phương án như nhầm lẫn khi cộng điểm bằng tay, sai lệch trong quá trình chấm. Tuy nhiên, những cuộc thi quốc tế về Ngoại ngữ được thực hiện trên máy tính đều không tổ chức phúc khảo cho thí sinh.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
Ông Sơn cho rằng, sự chính xác của công nghệ thông tin và tính nghiêm ngặt trong quá trình dự thi sẽ loại trừ được những yếu tố chủ quan và nhầm lẫn khi chấm bài. Vì vậy, không cần tổ chức phúc khảo cho thí sinh. Điều này cũng phù hợp nhiều thông lệ của các cuộc thi quốc tế.
Theo quy định chung, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ lưu giữ toàn bộ dữ liệu hồ sơ, bao gồm kết quả làm bài của thí sinh.
Bên cạnh đó, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 sẽ không được xét tuyển đợt 2 (tháng 8). Những em chưa trúng tuyển đợt 1 vẫn có thể dự thi vào đợt sau.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi phòng thi có ít nhất 5 – 10% số máy chạy suốt quá trình làm bài để dự phòng.
Trường hợp thí sinh gặp sự cố khi làm bài, trong vài phút, sẽ được chuyển sang máy tính dự phòng. Bài làm của thí sinh vẫn được giữ nguyên ở máy chủ, không ảnh hưởng quá trình thi. Tuy nhiên, nếu thời gian máy móc bị lỗi trên 10 phút, thí sinh sẽ được chuyển sang thi ở những ca tiếp theo. Ví dụ: Buổi sáng chuyển buổi chiều, buổi chiều chuyển ngày hôm sau. Chính vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sắp xếp một ngày cuối cùng dự trữ cho những trường hợp phát sinh.
Phương thức đổi mới toàn diện này tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, kết thúc buổi sáng đầu tiên, vẫn tồn tại thí sinh phải chuyển ca thi vì sai quy trình như: Đăng nhập hoặc thoát khỏi bài thi.
Từ đó, trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh đưa ra cảnh báo, thí sinh không tự ý đăng nhập, thoát khỏi chương trình hoặc tắt máy tính khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy.
Thí sinh dự tuyển sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt, cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm của mình.
Theo đó, bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế gồm 140 câu hỏi. Thí sinh bắt buộc làm 50 câu hỏi về Toán, 50 câu hỏi Ngữ văn; lựa chọn 40 câu về khối kiến thức khoa học tự nhiên hoặc xã hội và nhân văn.
Trong bài thi đánh giá năng lực, kiến thức lớp 10 chiếm 10%, lớp 11: 20% và lớp 12: 70%. Mức độ của đề thi được đánh giá dễ (10%), khó (20%) và trung bình (70%).
Riêng thí sinh có nguyện vọng vào trường Đại học Ngoại ngữ, sẽ lựa chọn môn một trong những phần thi: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Đề thi gồm 80 câu hỏi làm trong 90 phút, độ khó được phân theo tỷ lệ như sau: Dễ (20%), trung bình (60%) và khó (20%).