Cuối tháng 10, tổ chức giáo dục Education First (EF) công bố xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu (EPI). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 41 trên tổng 88 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá.
Chỉ số thông thạo tiếng Anh cũng giảm nhẹ so với năm ngoái, từ 53,43 xuống 53,12 điểm.
Năng lực tiếng Anh trung bình
Mặc dù giảm từ 34 xuống 41 trên bảng xếp hạng, ông Minh N Tran (ĐH Yale) - Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF - cho rằng trên thực tế, về mặt chỉ số, Việt Nam đang tăng so với năm ngoái.
Cụ thể, năm 2017, hai thành phố tham gia đánh giá là Hà Nội và TP.HCM lần lượt đạt 54,32 điểm và 54,88 điểm. Năm nay, điểm của hai thành phố tăng lên 55,82 và 55,08. Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội có điểm cao hơn TP.HCM.
Trong đợt đánh giá này, nước ta có thêm 3 tỉnh, thành khác tham gia là Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Năng lực Anh ngữ của Đà Nẵng và Hải Phòng ở mức trung bình, trong khi Cần Thơ ở mức thấp với 48,51 điểm. Đây là lý do chỉ số chung của nước ta thấp hơn năm ngoái, dẫn đến thứ hạng giảm.
Ông Minh N Tran đánh giá năng lực tiếng Anh nước ta đang có xu hướng tăng. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ngoài ra, năm nay có thêm 8 nước tham gia xếp hạng chỉ số thông thạo ngoại ngữ. Trong đó, một số nước đạt chỉ số cao hơn, đẩy thứ hạng của Việt Nam xuống. Tuy nhiên, căn cứ bảng xếp hạng do EF công bố, trong số 8 nước mới, chỉ 4 nước đứng trên Việt Nam là Croatia (17), Lebanon (33), Belarus (38) và Senegal (39).
Nhìn chung, sau 8 năm tham gia đánh giá, năng lực tiếng Anh nước ta đang có chiều hướng đi lên. Trong năm đầu tiên (2011), chỉ số thông thạo ngoại ngữ của Việt Nam là 44,32 điểm, ở mức rất thấp. Năm 2012, nước ta được đánh giá ở mức thấp với 52,14 điểm. Đây cũng là mức đánh giá của năm 2014 (51,57 điểm).
5 năm còn lại, tiếng Anh nước ta được xếp mức trung bình. Trong 3 năm trở lại đây, chỉ số đều giảm, từ 54,06 điểm năm 2016 xuống 53,12 năm 2018.
Chỉ số thông thạo Anh ngữ năm 2018 của Việt Nam tăng so với năm đầu tiên nước ta tham gia đánh giá. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Những rào cản trong dạy - học Tiếng Anh
Trước thực tế tiếng Anh nước ta còn nhiều hạn chế, một số người làm công tác giáo dục đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này. Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Trưởng khối chuyên Anh, Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) - vấn đề nằm ở đãi ngộ giáo viên.
Với đãi ngộ thấp, ngành giáo dục khó thu hút được những giáo viên giỏi, từ đó, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và Singapore - nước duy nhất của châu Á có chỉ số tiếng Anh ở mức rất cao.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho rằng ưu đãi giáo viên thấp là một trong 3 rào cản trong quá trình nâng cao năng lực Anh ngữ ở nước ta. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở cơ chế tuyển dụng giáo viên. Bà cho biết việc xét tuyển liên quan nhiều ngành, trường không thể tự chủ trong tuyển dụng.
Bà Trần Thị Hải Yến nêu 3 rào cản trong quá trình nâng cao năng lực tiếng Anh của nước ra. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Nói về cản trở thứ ba, nữ hiệu trưởng nhận định chương trình giáo dục phổ thông của nước ra đang là rào cản, trong khi việc giảng dạy ngoại ngữ ở trường phụ thuộc nhiều vào chương trình. Cụ thể, thời lượng dành cho môn Tiếng Anh trong nhà trường còn khiêm tốn. Chương trình học vẫn tập trung đáp ứng nhu cầu khảo thí, dạy để thi khiến giáo viên khó “bung” hết kỹ năng.
Bà nói thêm trường Trần Phú cũng như nhiều trường khác trăn trở để khắc phục các rào cản trên. Trường tạo cơ hội để học sinh tiếp xúc người bản ngữ, sẵn sàng đón đoàn, giao lưu, tình nguyện nước ngoài đã qua kiểm định của Sở GD&ĐT hoặc thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, trường liên kết với các trung tâm có bề dày để dạy bổ trợ tiếng Anh cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em có các khóa học hè, học tiếng Anh ở nước ngoài.
“Để làm được việc này, chúng tôi cần các con số như EF EPI để thuyết phục phụ huynh đồng lòng, chung sức để nâng cao chất lượng tiếng Anh”, bà nói.
Bà thừa nhận nâng cao năng lực tiếng Anh không đơn giản, trước hết cần thay đổi nhận thức của chính phụ huynh, học sinh, sẵn sàng phối hợp với nhà trường. Giáo viên cũng thay đổi tư duy, không thể chỉ dạy để thi. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất cho dạy, học tiếng Anh cũng rất quan trọng.
Về rào cản con người, bà tin tưởng trong tương lai không xa, các trường sẽ có quyền tự tuyển giáo viên cũng như điều chỉnh chương trình dạy. Nữ hiệu trưởng thông tin từ năm 2014, trường THPT Trần Phú bắt đầu tham gia thí điểm việc xây dựng, biên soạn lại căn cứ trên chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Với môn tiếng Anh, trường có thể biên soạn thành các chủ đề, chủ điểm, sắp xếp lại phân phối chương trình lớp 10, 11, 12 sao cho phù hợp với điều kiện của trường.
Bà Cao Phương Hà - Giám đốc điều hành EF Việt Nam - cũng cho rằng nước ta cần tiếp tục đổi mới tích cực hơn nữa về chính sách và phương thức triển khai dạy học tiếng Anh. Trong thời đại 4.0 với những bước nhảy vọt về công nghệ và phát triển, ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để tiếp cận với văn minh nhân loại.
“Vì vậy, giáo dục không nên coi đây như một môn học nữa mà là ngôn ngữ bắt buộc, cần thiết cho việc phát triển và hội nhập. Việc đào tạo ngôn ngữ cần hướng đến mục tiêu cao nhất là người học có thể làm chủ ngôn ngữ chứ không phải điểm số hay thành tích”, bà Hà nói.
Education First (EF) thành lập từ năm 1965 với sứ mệnh mở cửa thế giới thông qua giáo dục. Đây là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới, tập trung vào ngôn ngữ, học thuật, trải nghiệm văn hóa. Với gần 50 năm hoạt động, EF có 580 điểm trường và văn phòng tại hơn 50 quốc gia.
Năm 2011, EF bắt đầu đưa ra chỉ số thông thạo Anh ngữ (EF EPI) dựa trên kết quả bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn của EF. Năm nay, 1,3 người từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 30% so với năm ngoái.