Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đại sứ Canada ở Việt Nam và cuộc gặp cô bán bánh rán

Lần gặp gỡ với một phụ nữ bán bánh rán khiến Đại sứ Shawn Steil nhận ra tầm quan trọng của việc đảm bảo mọi người đều được góp tiếng nói vào quá trình phát triển xã hội.

Hoa, 31 tuổi, là một trong những người bán bánh rán trên đường phố Hà Nội. Cô làm việc 3-20h mỗi ngày, có thể tới 23h nếu ế hàng. Ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam, nhìn câu chuyện của Hoa như sự phản ánh hy vọng của Việt Nam trên con đường xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.

“Trong lúc nói chuyện, Hoa đưa cho tôi ăn thử bánh rán của cô và kèm cả lời xin lỗi. Cô ấy nói mình biết nên dùng túi giấy đựng bánh thay cho túi nylon, nhưng giá thành còn quá cao”, ông Steil kể trong một sự kiện chống rác thải nhựa hồi tháng 4.

Câu nói của Hoa khiến đại sứ chợt nhận ra điểm giao giữa hai đường thẳng tưởng như không bao giờ gặp nhau. Với kinh tế tuần hoàn, đó là mục tiêu tái sử dụng/tái chế để giảm lượng rác thải bị xả ra môi trường. Còn với Hoa, mong muốn đơn giản chỉ là có được không gian công cộng sạch rác thải, đặc biệt là túi nylon, để làm nơi nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình đi bộ 30-40 km/ngày.

Ông Shawn Steil cho rằng tuy chỉ là một người lao động trong nền kinh tế phi chính thức, Hoa đang góp sức vào mục tiêu phát triển của Việt Nam. “Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho họ, sao cho họ cũng sẽ là một phần của giải pháp ấy?”, vị đại sứ đặt câu hỏi.

Trong cuộc trao đổi gần đây với Tri thức trực tuyến, Đại sứ Shawn Steil kể lại những điều ấn tượng ông nhìn thấy ở Hoa. Ông cũng nói về vai trò của người làm ngoại giao trong việc đảm bảo tất cả đều có tiếng nói trên con đường phát triển kinh tế, cũng như chia sẻ những hỗ trợ của Canada dành cho Việt Nam.

co ban banh ran anh 1

Chị Lê Thị Hoa (trái) gặp gỡ Đại sứ Shawn Steil trong một triển lãm ảnh về nữ lao động di cư tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hồi tháng 4. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ "ấn tượng"

- Cuộc gặp gỡ với Hoa dường như đã để lại nhiều suy ngẫm, thưa Đại sứ ?

- Đại sứ Shawn Steil: Tôi gặp Hoa trong lễ tổng kết một dự án tìm hiểu về cách người dân tương tác với không gian đô thị ở Hà Nội. Phần thuyết trình cuối cùng của dự án cho thấy nhiều người lao động di cư như Hoa sống trong những căn nhà nhỏ hẹp. Không gian sống hạn chế, họ phụ thuộc vào không gian công cộng nhiều hơn hầu hết người dân Hà Nội, có thể tới 18 tiếng/ngày.

Ở Hoa tôi không chỉ thấy một người bán bánh rán, mà tôi còn thấy một nhà lãnh đạo

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil

Tôi ấn tượng không chỉ với quyết tâm làm việc chăm chỉ của Hoa để cải thiện cuộc sống, mà còn với góc nhìn bao quát của cô về các vấn đề môi trường. Kể với tôi, Hoa nói cô ấy biết là mình nên gói bánh rán trong túi giấy thay vì dùng túi nylon, nhưng giá túi giấy còn quá đắt.

Với tôi, điều này nhấn mạnh thực tế rằng Hoa phụ thuộc vào môi trường sạch sẽ, an toàn của không gian đô thị, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đóng vai trò đảm bảo không gian đó luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

- Câu chuyện của chị Hoa có liên hệ gì với nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam?

- Để là con người toàn diện, bạn không thể làm việc mọi lúc mà cũng cần có niềm vui, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống. Và đối với Hoa, việc có được những khoảng thời gian như vậy mỗi ngày tại một công viên sạch đẹp là rất quan trọng. Nhưng những nơi Hoa thường lui tới nghỉ ngơi như bãi đất trống hoặc công viên có thể không được chăm chút, trở thành nơi tích tụ rác.

Tôi nghĩ Hoa đã nhận ra một phần sức khỏe của mình phụ thuộc vào nền kinh tế tuần hoàn, ở chỗ nó đảm bảo chất thải được giảm thiểu và quản lý đúng cách. Đó cũng là lý do Hoa ý thức được việc không nên dùng túi nylon vì không muốn chính những thứ ấy góp vào đống rác mà sau đó sẽ ảnh hưởng đến giây phút nghỉ ngơi của mình.

co ban banh ran anh 2

Bức áp phích nói về câu chuyện của chị Hoa trong triển lãm ảnh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hồi tháng 4. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Từ những cuộc đời như chị Hoa, chúng ta có thể thấy gì về bài toán của Việt Nam khi chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, bền vững?

- Dù còn tỷ lệ hộ nghèo nhất định, Việt Nam - một quốc gia thu nhập trung bình - đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Câu hỏi là làm thế nào để đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi và cùng được nâng lên theo nền kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam còn có khu vực kinh tế phi chính thức lớn, với nhiều người mưu sinh bên ngoài nền kinh tế chính thức. Những người này cũng đang đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng mọi người, kể cả những người nằm ngoài các hệ thống chính thức, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn?

Theo tôi, đây chính là những thách thức được nêu ra từ câu chuyện của Hoa: Làm sao để đảm bảo rằng tất cả đều hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng đồng thời mọi người đều góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

- Vậy làm sao chúng ta có thể trao tiếng nói cho những người như Hoa để họ cũng có đóng góp của mình trong quá trình chuyển đổi kinh tế?

- Như bạn đã biết, luật pháp Việt Nam đảm bảo rằng quá trình làm luật sẽ có sự tham vấn từ cộng đồng. Nhưng cũng thật khó để đảm bảo rằng quan điểm của các nhóm yếu thế được lắng nghe trong toàn bộ quá trình làm luật, đặc biệt là quan điểm của phụ nữ và trẻ em gái. Vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng là rất quan trọng, giúp thu thập ý kiến từ các cá nhân riêng lẻ.

Có thể có người sẽ nói “Hoa chỉ là người bán bánh rán bình thường”, nhưng đối với tôi thì không

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil

Trong trường hợp của Hoa, hiện tại cô ấy đã có tiếng nói trong một dự án nghiên cứu, và kết quả từ dự án có thể đưa ra khuyến nghị chính sách cho nhà chức trách. Như vậy, một cách để đảm bảo tiếng nói của những người như Hoa được lắng nghe là thông qua giới nghiên cứu.

Nhưng cũng có những cách khác, chẳng hạn thông qua các tổ chức do chính những người như Hoa lãnh đạo. Đối với tôi, một phần của giải pháp là tạo điều kiện cho Hoa kết nối và chia sẻ ý tưởng với người cùng hoàn cảnh, giúp đưa tiếng nói của họ tới những người ra quyết định.

- Những nhà ngoại giao như đại sứ đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy trao đổi giữa các bên có lợi ích liên quan trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, tuần hoàn?

- Vai trò của chúng tôi là trở thành cây cầu kết nối hỗ trợ kỹ thuật từ Canada hoặc các nơi khác trên thế giới để cung cấp quan điểm hay giải pháp cho chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng là cầu nối cho các hình thức hỗ trợ khác, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức hoặc trực tiếp cho chính phủ Việt Nam, để hỗ trợ quá trình ra quyết định tốt hơn.

Với tư cách là nhà ngoại giao, chúng tôi cũng có nền tảng đặc quyền, ở chỗ có thể trao đổi trực tiếp với các chính phủ. Tôi có thể nói chuyện với bộ trưởng, đôi khi là thủ tướng, để trình bày những vấn đề họ chưa nghe tới. Một phụ nữ như Hoa không chắc có cơ hội gặp gỡ thủ tướng, nhưng tôi có thể.

Là người ngoài cuộc, đôi khi chúng tôi có cách nhìn khác và có thể nhận ra những điều mà người khác cho là dĩ nhiên. Ở Hoa tôi không chỉ thấy một người bán bánh rán, mà tôi còn thấy một nhà lãnh đạo. Cô ấy có thể đại diện rất tốt cho quan điểm của cộng đồng người lao động di cư trong khu vực kinh tế phi chính thức.

co ban banh ran anh 3
Đại sứ Shawn Steil đặt câu hỏi làm thế nào để đảm bảo rằng mọi người, kể cả những người nằm ngoài các hệ thống chính thức như Hoa, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Thành Đông.

Kinh tế tuần hoàn Việt Nam có nhiều tín hiệu tốt

- Nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang ở mức độ nào?

- Đã có nhiều tín hiệu tốt đẹp. Số lượng ống hút nhựa mà tôi bắt gặp đang ngày càng ít đi. Nhiều người đã chủ động loại bỏ ống hút khỏi môi trường.

Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam đã có sự công nhận, nhiều người đã làm tốt nhưng các mảnh ghép chưa khớp với nhau. Một khi chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có được sự phối hợp, nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn.

- Con đường tới nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đối mặt những thách thức nào?

- Chúng ta sẽ phải có một số quyết định khó khăn. Việc đưa ra các quyết định về năng lượng, chẳng hạn như xa rời điện than để chuyển hướng sang điện tái tạo, là rất khó khăn từ góc độ cơ cấu và tài chính.

Cũng có lo ngại cho rằng việc đòi hỏi người dân bình thường, nông dân hay doanh nghiệp cỡ nhỏ phải trả chi phí cao hơn cho những thứ như điện sẽ tạo ra thách thức lớn. Đó là những quyết định hệ trọng, cần sự tham gia của mọi người để đạt được đồng thuận chung và có lẽ sẽ cần cả thời gian.

Tôi cho rằng Việt Nam đang tiến dần đến cái mốc mà ở đó, sự phát triển kinh tế và sự bền vững trong quá trình phát triển ấy đang ngày càng thách thức. Chúng ta có lẽ sẽ cần cải cách quy định hay tiếp tục mở cửa một số khu vực của nền kinh tế như ngành năng lượng - vốn là ngành mà từ trước tới nay trách nhiệm đổi mới sáng tạo vẫn thuộc về nhà nước.

Nhà nước không thể làm việc này một mình mà cần sự đóng góp của các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn, cũng như của người dân. Điều đó đòi hỏi mọi người phải tham gia vào quá trình ấy.

co ban banh ran anh 4

Văn kiện Đại hội XIII đã nêu một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đây là mô hình kinh tế lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội. Ảnh: Chí Hùng.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có nguồn lực tài chính hạn chế. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ đóng góp vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn?

- Về cơ bản, ta sẽ cần giáo dục, cũng như cần xác định mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn là gì. Bằng cách đó, doanh nghiệp có thể nhìn thấy chính họ đóng vai trò như thế nào trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Một cách khác là cần đưa ra các biện pháp khuyến khích dành cho doanh nghiệp để họ bắt đầu tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, có thể là ưu đãi về tài chính hoặc khuyến khích về chính sách.

Một khi chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có được sự phối hợp, nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil

Những điều tôi đề cập ở trên không chỉ là về tiền. Chúng ta còn cần để cho các bên hỗ trợ lẫn nhau trong nền kinh tế tuần hoàn, giúp cho những người có chung ý tưởng có thể cùng theo đuổi những ý tưởng đó. Đây là cách tiếp cận theo hướng tạo lập hệ sinh thái.

Chính phủ có thể đóng vai trò lãnh đạo qua việc thiết lập khung chính sách, xác định mục tiêu cho nền kinh tế tuần hoàn và cung cấp các biện pháp ưu đãi. Đến một lúc nào đó, chính phủ sẽ để các doanh nghiệp tự cầm lái và thúc đẩy mọi thứ tiến lên phía trước.

- Canada đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trên hành trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường - xã hội?

- Canada đã có hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trong gần 30 năm, đóng góp hơn 1,7 tỷ USD vào sự phát triển của Việt Nam từ giai đoạn tương đối nghèo cho đến nay trở thành nước thu nhập trung bình.

Khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, những thách thức về kinh tế và phát triển bền vững cũng thay đổi. Hỗ trợ của chúng tôi cho Việt Nam vì thế đã chuyển trọng tâm từ xóa đói giảm nghèo sang hỗ trợ cho sự phát triển đem lại lợi ích cho tất cả, đảm bảo tính bền vững về môi trường, và thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu.

Canada cũng đã và đang hỗ trợ các mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội ở Việt Nam. Kinh doanh tạo tác động xã hội (KDTTĐ) là mô hình kinh doanh vừa tạo ra doanh thu, vừa tạo ra các tác động tích cực đối với môi trường và xã hội.

co ban banh ran anh 5

Đại sứ Shawn Steil (thứ hai từ phải sang) trong lần thăm vườn dừa nguyên liệu của một công ty Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn tài trợ từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME của tỉnh Trà Vinh) do chính phủ Canada tài trợ. Ảnh: SME Trà Vinh.

Mô hình này góp phần giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững và nâng cao quyền năng kinh tế cho các nhóm người yếu thế, bao gồm người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái… Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang gặp nhiều thách thức, bao gồm cả việc gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế không tập trung vào mô hình công nghiệp khai thác tận thu như hiện nay mà hướng tới tạo ra những vòng đời sản phẩm khép kín, biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Thành phố đầu tiên ở Việt Nam có xe tải điện thu gom rác

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã bàn giao 6 xe tải điện thu gom rác thải cho TP Huế trong buổi lễ hôm 17/5.

Na Uy sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng mô hình DRS riêng

Phó đại sứ Na Uy Mette Møglestue ngày 18/5 cho biết quốc gia Bắc Âu muốn chia sẻ những cơ chế và công nghệ xử lý, tái chế rác thải nhựa có hiệu quả cao của nước này cho Việt Nam.

Quốc Đạt - Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm