Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đại sư huynh’ của Chân Tử Đan: Truyền cảm hứng cho cả thầy lẫn trò

Tác phẩm mới của ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan thuộc dòng tâm lý - học đường với những câu chuyện hài hước và mang đậm tính nhân văn.

Trailer bộ phim 'Đại sư huynh' Bộ phim mới nhất của Chân Tử Đan khi anh vào vai một thầy giáo "bá đạo", đứng lớp gồm nhiều học sinh cá biệt.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Khám Gia Vĩ
Diễn viên chính: Chân Tử Đan, Trần Kiều Ân, Thang Quân Từ, Thang Quân Huy
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Dai su huynh anh 1

Trong Đại sư huynh, Chân Tử Đan sắm vai Trần Hiệp - một người lính thuộc biên chế quân đội Mỹ từng tham chiến tại nhiều vùng chiến sự ác liệt.

Sau khi giải ngũ, anh một mình du lịch vòng quanh thế giới để tìm kiếm lại mục đích sống, rồi quyết định trở lại cố hương Hong Kong.

Với mong muốn góp sức mình giúp định hướng tương lai cho thế hệ trẻ quê hương, Trần Hiệp trở thành thầy giáo của trường trung học Trí Đức - nơi nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt bất trị. Vừa nhận lớp, thầy giáo Trần đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đến từ đám cô cậu học trò ngỗ nghịch sở hữu nhiều hoàn cảnh khác biệt.

Đối diện với trận chiến mà bản thân ngành giáo dục chưa có phương thức giải quyết triệt để, một cựu chiến binh dạn dày kinh nghiệm sa trường nhưng kỹ năng sư phạm gần như bằng không liệu sẽ giải quyết các vấn đề đang tồn tại ra sao?

Một bộ phim tâm lý học đường thú vị và nhân văn

Về tổng thể, Đại sư huynh sở hữu mô-típ không quá mới mẻ. Khán giả có thể trông thấy bóng dáng của nhiều tác phẩm mang cùng đề tài học đường như Stand and Deliver (1988), Lean on Me (1988), Dangerous Minds (1995) hay The Substitute (1996) trong phim.

Dĩ nhiên, với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan, Đại sư huynh sẽ mang đến những điểm nhấn khác biệt mà chỉ có ngôi sao họ Chân mới có thể đem tới cho khán giả.

Bộ phim vào đề nhanh gọn, lần lượt giới thiệu thầy giáo Trần cùng năm học mới đầy thử thách, rồi đến nhóm học sinh cá biệt của lớp học mà anh phụ trách.

review phim Dai su huynh anh 2
Khán giả có thể từng bắt gặp mô-típ của Đại sư huynh trên màn ảnh, hay thậm chí là những trang truyện tranh.

Hai anh em sinh đôi Quan Khải Trình (Thang Quân Từ) - Quan Khải Hải (Thang Quân Diệu) có mẹ bỏ đi từ lâu, sống cùng người cha nát rượu; cô học trò Vương Đắc Nam (Lý Tĩnh Quân) vì bố mẹ trọng nam khinh nữ mà thường xuyên bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình.

Cậu học trò Lý Vĩnh Thông (Lạc Minh Cật) không còn cha mẹ, phải sống cùng bà nội một cách chật vật trong góc nhà cũ nát; cậu học trò dân gốc Pakistan nhập cư Gordon (Gordon Lưu) thường xuyên phải bám chặt vỉa hè để kiếm sống bằng những công việc đường phố.

Mỗi cá nhân là một câu chuyện riêng, chẳng được bất kỳ ai chú ý, quan tâm. Hậu quả là đám học trò ấy ngày một lún sâu hơn vào vấn đề của bản thân.

Đến khi thầy giáo Trần xuất hiện, mọi chuyện đã thay đổi. Bộ phim miêu tả thầy giáo Trần Hiệp với cá tính và phong cách làm việc cùng kỹ năng sư phạm độc đáo. Trong các tiết học của anh, học sinh không phải chịu áp lực điểm số hay thành tích, có thể học hoặc nghỉ chỉ với một thành tích nhỏ đạt được bất kỳ.

Anh không chỉ dạy một môn học cụ thể, mà truyền dạy kiến thức kết hợp của nhiều lĩnh vực cùng lúc, từ khoa học đến tâm lý, triết học, rồi cả kiến thức xã hội.

review phim Dai su huynh anh 3
Thầy Trần xuất hiện và đem đến những thay đổi tích cực cho đám học sinh cá biệt.

Thầy Trần tâm niệm học sinh không cần phải hiểu hay ghi nhớ mọi điều cần học, nhưng cần tiếp cận với càng nhiều kiến thức, ở càng nhiều lĩnh vực đa dạng sẽ càng tốt. Điều này giúp rèn luyện kỹ năng và tư duy nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách cụ thể ở bản chất, thay vì lý thuyết suông.

Và điều quan trọng hơn cả, Trần Hiệp quan tâm đến từng cá nhân học sinh của mình, không ngại khó khi truy tìm gốc rễ của sự ngỗ ngược, nổi loạn. Lúc này, thầy Trần không chỉ là một người thầy trên giảng đường, mà còn là người thầy, người bạn chân thành bên ngoài cuộc sống đời thường.

Với kinh nghiệm và sự từng trải, anh trở thành cầu nối mở ra lối đi cho những cô cậu học trò đang mắc kẹt với hàng loạt rắc rối riêng. Điều gì cũng có thể thực hiện được, ai cũng có thể thay đổi, quan trọng là có tìm ra đúng nút thắt để gỡ bỏ nó hay không.

Đại sư huynh cũng thể hiện tinh thần nổi loạn của nhóm học sinh cá biệt khá thú vị, kích thích sự tò mò của khán giả, rồi từ đó đem đến cho khán giả những bài học đơn giản mà đầy tính nhân văn.

Các chi tiết trong phim không có gì quá mới mẻ và tương đối dễ đoán. Nhưng chúng vẫn đủ để truyền cảm hứng cho người xem về một tinh thần giáo dục lý tưởng, gần gũi và thiết thực đối với bất cứ người học trò nào.

Nguồn cảm hứng dành cho cả người làm giáo dục

Không chỉ là tác phẩm truyền lửa cho người học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, Đại sư huynh còn là bài học đáng suy ngẫm gửi đến những người cha, người mẹ, và những người đang làm ngành giáo dục nói chung.

Các vấn đề của lứa tuổi học trò hầu hết đều đến từ phía gia đình, mà gốc rễ của nó là sự bất đồng về tiếng nói chung giữa cha mẹ với con cái. Chỉ những điều rất đơn giản đó, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm kịp thời, có thể dẫn đến hậu quả tai hại.

review phim Dai su huynh anh 4
Câu chuyện của Đại sư huynh chắc chắn còn khiến cả những người làm giáo dục phải suy tư, trăn trở.

Trong Đại sư huynh, không chỉ các cô cậu học trò phải tập trở nên nghiêm túc, có trách nhiệm hơn với bản thân, mà chính các bậc phụ huynh mới là người cần nhìn rõ vấn đề, cần mở lòng ra với con cái trước.

Đây là điều quan trọng mà bộ phim muốn gửi tới các khán giả trưởng thành, giúp họ hiểu rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của việc quan tâm đến tâm sinh lý con em mình, thay vì chỉ quan tâm đến kết quả học tập ở trường lớp.

Bên cạnh đó, Đại sư huynh còn là nguồn cảm hứng truyền đến những người làm giáo dục. Bộ phim chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế vận hành của guồng máy giáo dục hiện tại, với kiểu trường lớp chỉ quan tâm đến thành tích, điểm số, những người thầy cô chỉ biết dạy dỗ học trò kiểu máy móc, khuôn mẫu. Tất cả dẫn đến vấn nạn như tự tử, bạo lực học đường…

Có lẽ bất cứ người làm giáo dục nào cũng chia sẻ cùng trăn trở với thầy giáo Trần. Những lời chia sẻ của anh về việc nên dạy dỗ học trò thế nào để thực sự nên người khiến bất cứ ai cũng cần phải suy ngẫm lại liệu cách giáo dục của bản thân đã phù hợp hay chưa.

Kỹ thuật chất lượng

Là bộ phim truyền cảm hứng cho giới trẻ, Đại sư huynh sở hữu phần hiệu ứng kỹ thuật rất chất lượng. Màu sắc bộ phim rực rỡ, tươi tắn, với nhiều khung hình đẹp thể hiện cuộc sống đời thường Hong Kong.

Phần âm nhạc của bộ phim khá ấn tượng, với nhiều bản nhạc trẻ đáng nhớ được lồng ghép một cách khéo léo và hợp lý, giúp tạo hiệu ứng cảm xúc tích cực cho khán giả. Khán giả hẳn cảm thấy thích thú khi được nghe lại bản Quay đầu lại sôi động của nam ca sĩ Nhậm Hiền Tề, bài hát nhiều tâm trạng Tears and Rain của James Blunt, hay bản hit 7 Years của Lukas Graham.

review phim Dai su huynh anh 5
Bộ phim không có gì đáng chê trách về mặt kỹ thuật, và sở hữu phần âm nhạc khá thú vị.

Là một bộ phim thiên về tâm lý học đường, Đại sư huynh không mạnh về phần hành động như các tác phẩm khác của Chân Tử Đan. Tuy nhiên, bộ phim vẫn kịp đem đến hai trường đoạn hành động dài hơi, giúp khẳng định đẳng cấp của ông hoàng hành động điện ảnh Hoa ngữ đương thời.

Dàn diễn viên trong phim có diễn xuất đồng đều và thể hiện trọn vẹn nhân vật của mình. Diễn xuất của Chân Tử Đan không có nhiều chuyển biến khác biệt so với các tác phẩm gần đây. Anh mang đến hình tượng nhân vật thầy giáo Trần Hiệp rất gần gũi so với hình tượng tông sư Diệp Vấn đã gắn bó với mình suốt một thập kỷ qua.

Các diễn viên trẻ trong phim đều tỏ ra thuyết phục, tạo được ấn tượng tốt và đáng nhớ. Chỉ có nhân vật cô giáo Lương của Trần Kiều Ân là mờ nhạt, khi bản thân nhân vật có đất diễn hạn chế, cá tính nhạt nhòa. Nữ diễn viên Tiếu ngạo giang hồ rốt cuộc không có điều kiện thể hiện năng lực của bản thân.

Thiếu những điểm nhấn cần thiết

Mang đề tài tuổi trẻ học đường tươi sáng, cùng lý tưởng giáo dục đáng suy ngẫm, nhưng Đại sư huynh vẫn mắc phải một vài khuyết điểm về mặt nội dung khiến bộ phim trở nên chưa trọn vẹn.

Bộ phim ôm đồm nhiều đề tài xã hội đương thời, từ việc hiểu lầm giữa cha mẹ và con cái, đến việc theo đuổi ước mơ tương lai của tuổi trẻ, áp lực học hành thi cử dẫn đến vấn nạn tự tử, thậm chí cả việc xã hội đen hoành hành gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Mỗi vấn đề được nêu lên qua câu chuyện cá nhân của mỗi nhân vật.

Tiếc là ôm đồm quá nhiều thứ nên bộ phim không thể đi sâu khai thác cụ thể một đề tài nào đó. Mỗi vấn đề đều được nêu ra rồi giải quyết một cách đơn giản, chóng vánh, không có những chi tiết đắt giá để gây ấn tượng sâu sắc với khán giả. Điều đó khiến các vấn đề của bộ phim ban đầu tưởng như to tát, khó khăn, nhưng kỳ thực có cách xử lý lại rất dễ dàng, chỉ với vài câu nói chuyện qua loa.

review phim Dai su huynh anh 6
Việc bộ phim ôm đồm quá nhiều đề tài khiến mọi thứ đều không được khai thác quá sâu.

Nguyên nhân một phần là do cách xây dựng nhân vật Trần Hiệp có phần quá hoàn mỹ. Ở tiết học đầu tiên, khán giả thích thú khi thầy giáo Trần khiến cả lớp phải tâm phục khẩu phục bằng hàng loạt kiến thức khoa học, xã hội thực tế rất gần gũi, thuyết phục và đáng suy ngẫm. Điều đó khiến khán giả kỳ vọng rằng nhân vật chính sẽ tiếp tục thể hiện cá tính và khả năng sư phạm khác biệt của bản thân trong phần sau của bộ phim.

Tuy nhiên, dường như các vấn đề mà thầy giáo Trần gặp phải đều được giải quyết quá dễ dàng. Anh chỉ cần một cuộc nói chuyện ngắn ngủi mà thậm chí khán giả còn không có cơ hội tận mắt chứng kiến là mọi chuyện đều xử lý đâu ra đấy.

Thậm chí, ngay cả với vấn đề đến từ đám xã hội đen, thầy Trần cũng giải quyết cực kỳ nhanh gọn bằng nắm đấm đơn thuần, hầu như chẳng gặp bất kỳ khó khăn hay vất vả nào hết.

Việc ôm đồm quá nhiều chi tiết khiến thời lượng dành cho cá tính và hoàn cảnh cá nhân của nhóm học sinh cá biệt ít nhiều bị hạn chế. Một số tuyến nhân vật bị mờ nhạt, hầu như không đóng góp vai trò gì đáng kể như cô giáo Lương hay nhóm học sinh ưu tú của trường vốn có mâu thuẫn với nhóm học sinh cá biệt.

Trong khi đó, tuyến truyện về nhóm xã hội đen cùng âm mưu thâu tóm ngôi trường tỏ ra thừa thãi, không phù hợp với tinh thần chung của bộ phim. Đây chỉ là cái cớ để Chân Tử Đan có thể tung ra các pha hành động.

Có thể thấy Đại sư huynh là nỗ lực đáng khen ngợi của Chân Tử Đan trong việc đa dạng hóa hình tượng nhân vật và vai diễn. Tuy vẫn còn những khiếm khuyết khiến cảm xúc mà bộ phim đem lại là chưa trọn vẹn, đây vẫn là tác phẩm thấm đẫm tinh thần tuổi trẻ và có thể truyền cảm hứng cho người làm giáo dục.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Chân Tử Đan hóa thầy giáo bá đạo trong phim hành động 'Big Brother'

Với nội dung học đường hài hước, “Big Brother” là câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống cùng những pha hành động gay cấn.





Khánh Hưng

Ảnh: Bona Film Group

Bạn có thể quan tâm