Với website sơ sài, thiếu thông tin về giáo viên, học sinh, hoạt động giảng dạy, trường Quốc tế George Washington (GWIS) - đơn vị đang liên kết với hàng loạt trường tư ở Việt Nam - bị tố là cơ sở giáo dục "ma".
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, ông Pope Thrower - người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - cho biết Chính phủ Mỹ có thẩm quyền và giám sát đối với các trường học có trụ sở tại Mỹ, không phải các tổ chức được thành lập hoặc hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Website của GWIS rất sơ sài, địa chỉ cũng không phải dạng .edu.com như các cơ sở giáo dục khác. |
Ông nói thêm phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các cơ sở đào tạo giáo dục và có thể kiểm tra thông tin về trường tại Mỹ. Thông tin này có thể kiểm tra tại website của Cục An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1.
Ngoài ra, mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên mạng.
Ông Thrower khẳng định nhân viên Đại sứ quán Mỹ không tìm thấy tên trường GWIS trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh Nội địa Mỹ, bang Florida hay bang California.
Trước đó, trao đổi với báo chí về nghi án trường Phổ thông Newton đang liên kết đào tạo với trường "ma", Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: "Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do GWIS cấp cho những học sinh theo chương trình GWIS tại trường Phổ thông Quốc tế Newton". Tuy nhiên, đại diện đại sứ quán cho rằng thông tin này không đúng.
Đại sứ quán Mỹ không tìm thấy tên GWIS trong danh sách trường của Cục An ninh Nội địa hay bang California, Florida. Ảnh: Lao Động. |
"Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội không chứng thực bằng cấp và bảng điểm. Việc chứng thực như vậy cần thông qua một quá trình xác minh, có thể được thực hiện ở Mỹ", ông nói.
Việc Đại sứ quán có thể làm và đã làm trong trường hợp này, là chấp nhận bản tuyên thệ, trong đó với việc tuyên thệ trước sự chứng kiến của một cán bộ lãnh sự, người ký tên vào bản tuyên thệ có thể cam đoan về sự xác thực của bằng cấp.
Đó là việc đã xảy ra trong trường hợp này, và chữ ký của cán bộ lãnh sự trong bản tuyên thệ, trong mọi trường hợp, không thể được coi là xác nhận giá trị pháp lý của tài liệu, mà chỉ xác nhận rằng người mang tài liệu đó đã tuyên thệ về tính xác thực của văn bản trước một cán bộ được cho phép tiến hành việc tuyên thệ.
Hình ảnh GWIS trên website của trường. Ảnh: Gwisedu. |
Ông nói thêm mặc dù Đại sứ quán Mỹ và Lãnh sự quán Mỹ vẫn cung cấp các dịch vụ công chứng, các bằng cấp và bảng điểm lại được chứng thực theo cách hoàn toàn khác. Để chứng thực bằng cấp và bảng điểm, người học cần phải tuân thủ quá trình xác thực có thể được thực hiện ở Mỹ.
Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam đôi khi có thể chấp nhận bản tuyên thệ được đính kèm với bằng cấp. Như vậy, người có bằng cấp cần liên hệ với người sử dụng lao động để biết họ có chấp nhận một bản tuyên thệ do chính người có tên trong bằng cấp đó thực hiện tại lãnh sự Mỹ để cam kết về tính xác thực của bằng cấp hay không.
Đại sứ quán không đảm bảo việc các cơ quan nước sở tại sẽ chấp nhận hay áp dụng những bản tuyên thệ như vậy.
Theo Sở GD&ĐT, khi một cơ sở giáo dục muốn triển khai chương trình liên kết đào tạo với đơn vị nước ngoài cần phải thực hiện những bước:
Cơ sở giáo dục phải lập đề án thực hiện thí điểm chương trình mà cơ sở lựa chọn liên kết trong đó nêu rõ: Mục đích yêu cầu, các năng lực đào tạo, khung chương trình chi tiết, phân phối chương trình, mẫu văn bằng chứng chỉ (nếu có) và báo cáo rõ về đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình liên kết cùng cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng với chương trình.
Cung cấp hồ sơ pháp lý của đơn vị đối tác bao gồm: Giấy chứng nhận thành lập và hoạt động, giấy xác nhận tình trạng hoạt động của đối tác, xác nhận kiểm định của giáo dục vùng, tiểu bang, nước...; hồ sơ nhân sự của hiệu trưởng và các hồ sơ pháp lý của giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình đó theo đúng yêu cầu của Sở Lao động cấp giấy phép lao động, bằng cấp, hộ chiếu, visa...
Sở GD&ĐT cũng khẳng định đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để minh chứng về tính pháp lý của trường Quốc tế George Washington, cũng như làm việc với Đại sứ quán Mỹ và đã được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do trường này cấp cho những học sinh theo chương trình GWIS tại trường Tiểu học - THCS - THPT Newton.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ cho rằng thông tin trên là không chính xác. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội lại cho phép liên kết, giảng dạy với trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Hà Nội) và hàng loạt các trường khác ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam?