Đại sứ Hogberg (sinh năm 1967) tham quan Bưu điện Thành phố. Trước khi đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, ông từng là Phó vụ trưởng Vụ Châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Thuy Điển. Ông cũng từng làm việc ở các sứ quán tại Namibia và Nam Phi.
|
Ông Hogberg tỏ ra thích thú khi phát hiện bốt điện thoại có đồng hồ chỉ múi giờ ở thành phố Pretoria, Nam Phi, nơi ông đã có 3 năm sống và công tác. Trong quá trình công tác ở châu Phi, vị đại sứ cho biết vẫn dành thời gian tìm hiểu về châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Khi được đề nghị chọn đất nước mới tại châu Á để công tác, ông ngay lập tức chọn Việt Nam.
|
Đại sứ Thụy Điển đi dạo trên đường phố TP.HCM. Ông tỏ ra thú vị khi khám phá những công trình kiến trúc Pháp được gìn giữ và bảo quản bên cạnh những tòa nhà cao tầng với thiết kế hiện đại ở trung tâm thành phố. |
Đại sứ Hogberg cho biết ông đến Việt Nam lần đầu vào năm 1996. "Đó là nhân chuyến công tác kéo dài một tuần. Suốt 20 năm qua, tôi chưa có dịp trở lại Việt Nam nào khác do công việc bận rộn. Do vậy, khi được bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam, đó dường như giấc mơ trở thành hiện thực", ông nói.
|
Đại sứ Hogberg vừa đến Việt Nam khoảng một tháng. Ông cho biết đang học tiếng Việt và có thể nghe hiểu "một chút". Đến TP.HCM ngày 19/9, ông tỏ ra thích thú với thời tiết mát mẻ và dễ chịu vào buổi sáng sớm. |
Tân đại sứ Thụy Điển nói ông muốn tìm hiểu những món ăn, thức uống dân dã của các địa phương tại Việt Nam. Một trong những món uống mà ông ưa thích là cà phê sữa đá. Ông cho biết cà phê ở Sài Gòn được pha ngọt hơn so với Hà Nội. |
Đại sứ Hogberg giao lưu với một nhóm học sinh từ trường Hy Vọng 1 đang có giờ học thể dục buổi sáng tại Công viên 30/4. Các em tỏ ra thích thú với sự xuất hiện của vị khách nước ngoài. |
Đại sứ Thụy Điển tham quan Đường sách bên hông Nhà thờ Đức Bà. Đây là đường sách đầu tiên của Việt Nam, được chính thức khai trương từ ngày 9/1. Công trình do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện theo phương thức xã hội hóa. |
Ông Hogberg tìm hiểu về loạt tác phẩm về miền Tây Nam Bộ của "ông già Nam bộ" Sơn Nam trong một hiệu sách. Ông cho biết người dân Thụy Điển rất đề cao văn hóa đọc. "Trẻ em Thụy Điển bắt đầu được tập đọc sách từ khoảng 5-6 tuổi. Khi các con tôi còn nhỏ, tôi cũng tập cho chúng thói quen này bằng việc đọc sách cho con nghe mỗi tối", đại sứ nói. |
Đại sứ Hogberg thích thú và đánh giá cao về ý tưởng một đường sách ngay giữa lòng trung tâm thành phố, thuận tiện cho du khách tìm hiểu về Việt Nam qua các quyển sách. Những quán cafe xen kẽ cũng là điểm dừng chân để đọc sách hoặc trò chuyện. |