Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Thụy Điển: Tham vọng là thế mạnh của Việt Nam

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe nhận xét Việt Nam có nhiều thế mạnh trong phát triển xanh, bền vững, trong đó việc đặt ra mục tiêu "tham vọng" chính là ưu thế hàng đầu.

Đánh giá về ưu điểm của Việt Nam trong nỗ lực phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng xanh, bà Ann Mawe liên tục nhấn mạnh một trong những thế mạnh của Việt Nam là “có tham vọng”.

Phát biểu ngày 2/6 trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 53 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, đại sứ trích dẫn cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26 về việc giảm phát thải khí nhà kính xuống 0, nói rằng “tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên trước những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở Glasgow".

“Đặt ra mục tiêu tham vọng đồng nghĩa đất nước đã có một định hướng chính trị rõ ràng để đi theo”, bà nói với các phóng viên bên lề sự kiện.

Việt Nam đang, và sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực về năng lượng xanh

Đại sứ cũng chỉ ra rằng chính bản thân Thụy Điển để phát triển như ngày hôm nay thì điều mà họ cần có trước nhất là tham vọng.

“Một khi đặt ra tham vọng cụ thể như vậy, chính phủ sẽ phải huy động các nguồn lực, thảo luận và đưa ra tất cả chính sách cần thiết, cùng với đó là sự tham gia tích cực của toàn xã hội, từ các ngành công nghiệp, đến những nhà nghiên cứu. Thậm chí, chúng tôi sẽ cố gắng lặp đi lặp thử nghiệm đổi mới, sáng tạo mỗi lần thất bại, cho đến khi thành công”, bà giải thích rõ.

dai su Thuy Dien danh gia su phat trien cua Viet Nam anh 1

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe giới thiệu về tăng trưởng GDP của Thụy Điển trong khi vẫn giảm phát thải carbon, tại sự kiện "Tiên phong đột phá" ở TP.HCM, ngày 2/6. Ảnh: Hồng Ngọc.

Ngoài ra, bà cũng cho rằng một ưu điểm khác của Việt Nam chính là đất nước đã có lực đà đủ tốt, cũng như có nguồn nhân lực trẻ, cởi mở và tài năng để hướng đất nước hoàn thành các mục tiêu của mình.

“Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng xanh và tôi tin là đất nước sẽ tiếp tục phấn đấu đạt được những tham vọng đề ra và giữ vững vị trí này", bà nói.

"Đất nước cũng có sự ủng hộ của người trẻ, dù quá trình chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn. Tôi luôn ngạc nhiên trước sức sáng tạo của những người trẻ, thế hệ chân chính ở Việt Nam. Hãy khai thác những tài năng của đất nước để thực sự bắt tay vào hành trình này”, đại sứ mở lời khen.

Cải tạo lưới điện và loại bỏ than là bước đi quan trọng

Dù đánh giá cao khả năng phát triển của Việt Nam, đại sứ nêu ra những thách thức cần giải quyết, cũng như có những đề xuất và lời khuyên, với hy vọng thúc đẩy Việt Nam đi nhanh hơn để có những bước đột phá trong phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và số hóa.

Bà Mawe nhiều lần nhắc lại rằng việc cải tạo và nâng cấp lưới điện là một trong những bước đi quan trọng mà đất nước cần thực hiện để tận dụng triệt để nguồn năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió sẵn có, đưa chúng vào sản xuất, và vào cả đời sống trong tương lai.

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ, và xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng là điều cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi này, bà nói.

Một thách thức khác mà đại sứ nêu ra là sự phụ thuộc vào than đá. Bà đánh giá ngành công nghiệp than của Việt Nam khá lớn. Vì vậy, cần phải có kế hoạch chuyển đổi thích hợp để thoát khỏi sự phụ thuộc này.

“Tất nhiên, sẽ có rất nhiều người sẽ bị mất việc, và vì vậy chính phủ và doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao mang lại lợi ích cho cả thiên nhiên và con người trong quá trình chuyển đổi này”, đại sứ nói.

Bên cạnh đó, bà cũng gợi ý chính phủ nên có kế hoạch cho tất cả ngành có liên quan đến sự chuyển đổi sang chuyển đổi xanh, từ giao thông, xây dựng..., và kế hoạch này nên là kế hoạch “từ dưới lên, chứ không chỉ từ trên xuống”.

“Chúng ta đang nói về tiêu dùng bền vững. Vì vậy, tất nhiên những kế hoạch này phải có sự tham gia của người dân, cũng chính là người tiêu dùng. Họ cần được khuyến khích lựa chọn các sản phẩm có tính đến yếu tố môi trường, từ phương tiện giao thông, thời trang, đến thực phẩm...”, đại sứ giải thích rõ.

Nói tóm gọn, phát triển bền vững cần có sự chung tay của tất cả tầng lớp, từ chính phủ, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, và cả công dân.

“Đó là kinh nghiệm của chúng tôi từ Thụy Điển”, bà nói.

dai su Thuy Dien danh gia su phat trien cua Viet Nam anh 2

Bà Mawe giới thiệu những sáng kiến của Thụy Điển trong phát triển xanh, bền vững với Phó chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 2, từ phải sang) và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồng Ngọc.

Việt Nam hoàn toàn có thể vừa tăng GDP, vừa giảm thải carbon

Đánh giá về tiềm năng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi sang sản xuất bền vững, sử dụng năng lượng xanh, bà Mawe khẳng định các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hưởng lợi dài hạn từ việc chuyển đổi này, và nêu Thụy Điển như một minh chứng cho điều này.

“Trong 20 năm qua, khi Thụy Điển đầu tư vào các sáng kiến xanh và có những chính sách xanh để khuyến khích doanh nghiệp, thì GDP của chúng tôi vẫn tăng, trong khi phát thải carbon giảm. Điều đó cho thấy chúng ta, dù là Thụy Điển hay Việt Nam, hoàn toàn có thể có được cả 2 mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại sứ lưu ý rằng ban đầu doanh nghiệp có thể phải chịu phí tổn phát sinh và sẽ có những khoản đầu tư phải tính đến. “Đầu tư vào phát triển xanh và bền vững là một khoản đầu tư ngắn hạn, nhưng về mặt dài hạn chắc chắn sẽ đem lại lợi ích tối đa”, người đại diện Thụy Điển khẳng định.

Đại sứ nói thêm rằng chuyển đổi sang sản xuất năng lượng xanh đang là xu hướng toàn cầu và cũng là thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nếu muốn phát triển đường dài, vì người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu ngày càng đòi hỏi sản phẩm xanh hơn, tính đến yếu tố bền vững nhiều hơn trong sản xuất.

Giáo sư Harvard: Việt Nam đang trở thành cửa ngõ xuất khẩu hiệu quả

Giáo sư David Dapice tin rằng nền thương mại Việt Nam đang phát triển tốt, và có tiềm năng hơn nữa nếu tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Liên Hợp Quốc: Việt Nam có tiếng nói quan trọng cho đoàn kết quốc tế

Gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính, phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng Việt Nam có tiếng nói quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong lúc thế giới trải qua nhiều khủng hoảng.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm